Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào?

- Thứ Hai, 14/11/2022, 08:30 - Chia sẻ

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở Giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.

Trường tăng, Bộ giảm

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đẩy mạnh việc cạnh tranh trong tuyển sinh, các trường đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động thay thế bằng các ngành đào tạo mới phù hợp và cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần.

Số lượng ngành đào tạo do các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ mở tăng lên đáng kể (tăng 1,5 lần so sánh 2016 và 2021) trong khi số lượng ngành đào tạo do Bộ GDĐT phê duyệt ngày càng giảm mạnh (giảm hơn 3 lần so sánh 2016 và 2021), cụ thể: 

Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào? -0
 Mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo thẩm quyền tại các cơ sở GDĐH bảo đảm điều kiện tự chủ đại học (Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, quy định pháp lý về điều kiện đảm bảo chất lượng mở ngành đào tạo đối với các trình độ về GDĐH ngày càng chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.

Các đại học quốc gia, đại học vùng và 23 trường đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP rất cân nhắc khi mở ngành đào tạo, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ.

Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào? -0
Số liệu mở ngành đào tạo từ năm 2016 đến 2021 theo trình độ đào tạo (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), (Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Cơ sở GDĐH đẩy mạnh quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, uy tín và truyền thống của trường thông qua việc phát triển đội  ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…

Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực: Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, gồm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xếp hạng 360), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 362), Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 386), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 401-450).

Theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE): Ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế, Việt Nam có hai đại diện là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 201-250), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 601+).

Lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện là Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xếp hạng 251-300), Đại học Quốc gia Hà  Nội (xếp hạng 501-600) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (xếp hạng 601+).

Thiếu hụt đội ngũ giảng viên

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số trường đại học hiện đang khó khăn trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên để duy trì ngành đào tạo theo quy định. Để phát triển các ngành mới đòi hỏi giảng viên phải cập nhật kiến thức mới và chứng minh cho các bên liên quan về năng lực thông qua các đề tài, công bố quốc tế liên quan đến ngành đào tạo mới.

Đồng thời, việc cạnh tranh các giảng viên giỏi giữa các cơ sở GDĐH cũng khiến cho việc duy trì ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường gặp khó khăn.

Bộ GD và ĐT cũng đã điều chỉnh các quy định về mở ngành đào tạo, danh mục thống kê ngành đào tạo theo hướng quản lý chất lượng, gắn liền với thực tiễn lĩnh vực nghiên cứu của ngành dự định mở và kinh nghiệm chuyên môn của giảng viên, tiến đến sự linh hoạt thay vì chỉ căn cứ theo tên ngành đào tạo ghi trên văn bằng của giảng viên.

Một trong những phương thức tăng cường quốc tế hóa GDĐH mà Bộ GD và ĐT đề ra là đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GDĐH quốc tế có uy tín thông qua việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến.

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài (LKĐTVNN) đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ (ĐHQG, ĐH vùng, thí tiểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng cộng 186 chương trình LKĐTVNN, trong đó có 124 chương trình ở trình độ đại học, 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 04 chương trình ở trình độ tiến sĩ.

Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào? -0
Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo quốc gia (Nguồn: Bộ GD&ĐT)

 408 chương trình phân loại theo quốc gia chủ yếu vẫn là các chương trình LKĐT với các cơ sở GDĐH tại Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình) và Hàn Quốc (27 chương trình); các nước có nền GDĐH phát triển và các cơ sở GDĐH uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand (16 chương trình), CHLB Đức (10 chương trình) và Vương quốc Bỉ (10 chương trình).

Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào? -0
Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo nhóm ngành đào tạo (Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Phân loại các chương trình LKĐTVNN theo nhóm ngành đào tạo, tỷ lệ các chương trình đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý vẫn chiếm đa số với 64% (trong đó có 85/408 chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh).

Các chương trình đào tạo các ngành trong nhóm ngành khoa học và công nghệ chiếm 25%; trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chiếm 8% và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) chỉ chiếm 3%.

Các chương trình LKĐT với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chia theo trình độ đào tạo như sau:

Mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện thế nào? -0

Nảy sinh nhiều hạn chế

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, hoạt động LKĐTVNN đang có nhiều hạn chế, cụ thể: 

Thứ nhất, hạn chế trong việc lựa chọn cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài; có 62,71% cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021), 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+, 9,04% số cơ sở xếp hạng 501-1.000, 9,04% số cơ sở xếp hạng 301-500, 9,6% số cơ sở xếp hạng 100-299 (17 cơ sở).

Thứ hai, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào (năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và thi THPT tương đối thấp).

Thứ ba, hạn chế về tác động lan tỏa: Hệ thống GDĐH của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các chương trình LKĐTVNN, cụ thể các chương trình LKĐT không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.

Thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình LKĐTVNN, không được như các chương trình đào tạo tiên tiến trong giai đoạn 2008-2015.

Hồng Hạnh
#