Làm sao để các đại học tiếp cận nguồn kinh phí nghiên cứu từ các địa phương?

- Thứ Sáu, 15/09/2023, 06:50 - Chia sẻ

Thực tiễn cho thấy, một số địa phương có thể còn lúng túng trong việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Ngược lại, có thể đã có không ít những đề xuất nghiên cứu từ các đại học không đáp ứng được yêu cầu của các địa phương và có những địa phương có những yêu cầu cao về công nghệ.

Làm sao để các đại học tiếp cận nguồn kinh phí nghiên cứu từ các địa phương? -0
Nghiên cứu khoa học ở trường đại học (Ảnh: minh hoạ)

Vai trò quan trọng của Sở Khoa học và Công nghệ

Hiện nay, mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam (gọi chung là địa phương) đề có một cơ quan phụ trách về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được gọi là Sở Khoa học và Công nghệ.

Sở này có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đang rất quyết liệt thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Một ví dụ cụ thể để có thể thấy được vị thế của đơn vị này, thông qua trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy đơn vị này là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: 

• Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; 

• Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; 

• Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; 

• Sở hữu trí tuệ; 

• Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và hạt nhân; 

• Quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật. 

Và đồng thời những nội dung hỗ trợ/tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ của sở này cũng khá rộng, như:

• Hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hướng ứng dụng, nghiên cứu chính sách, 

• Hỗ trợ hỗ trợ nghiên cứu tạo sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ mới; đổi mới sản phẩm, dịch vụ, công nghệ; giải mã công nghệ, nội địa hóa công nghệ, thiết bị, 

• Hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, triển khai ứng dụng thử nghiệm, 

• Hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Có thể nói những lĩnh vực quản lý và những nội dung tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ của sở này đều là những lĩnh vực và nội dụng rất trọng yếu. Hiệu quả mang từ các chương trình, các hoạt động này lại chắc chắn góp phần quan trọng vào sự phát triển về chiều sâu, tiên phong và bền vững của TP. Hồ Chí Minh.

​Đối các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do các Sở khoa học và công nghệ địa phương quản lý, tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN), các trường đại học/đại học (goi chung là đại học), viện nghiên cứu cứu, tổ chức có chức năng nghiên cứu KHCN, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp (thông qua các tổ chức nghiên cứu) trong cả nước có thể tham gia ứng tuyển. Thực tế cho thấy, nhu cầu phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sự phát triển của các địa phương hiện nay là rất lớn.

Lực lượng quan trọng chuyển giao công nghệ cho các địa phương

​Có thể nói, tiềm lực nghiên cứu khoa học từ lực lượng giảng viên ở các đại học trong cả nước là không nhỏ.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tính đến năm 2020, cả nước có 21.977 giảng viên nói chung có trình độ tiến sĩ, với các chức vụ chuyên môn khác nhau từ giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp (gồm cả phó giáo sư, giáo sư). Điều này cho thấy, số lượng giảng viên đại học có thể làm nghiên cứu hiện nay có thể đã tăng lên rất đông. Đây là lực lượng rất quan trọng và có thể tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các địa phương. 

​Việc những giảng viên ở các đại học tiếp cận được nguồn kinh phí nghiên cứu từ các địa phương hoặc các đại học có đề tài được tài trợ từ các địa phương là rất quan trọng. Đây có thể nói là minh chứng cho việc các kết quả nghiên cứu của đại học có thể được chuyển giao và đi vào phục vụ thực tiễn cuộc sống.

Từ đó năng lực của giảng viên sẽ được tăng lên và chắc chắn sẽ tác động tốt vào chất lượng đào tạo ở các đại học. Ngoài ra, sự hiện diện của đại học ở các địa phương có thể tác động tích cực đến việc thu hút sinh viên tương lai. 

​Vấn đề là làm thế nào để các đại học có thể tiếp cận được nguồn kinh phí nghiên cứu khá phong phú và đa dạng từ các địa phương? Thực tiễn cho thấy các địa phương trong cả nước rất cần sự hợp tác của các đại học và những người làm nghiên cứu.

Nếu đơn giản là các đại học chỉ gửi phiếu đề xuất hướng nghiên cứu theo quy định cho các địa phương và chờ kết quả thì có thể rất khó có được đề tài nghiên cứu từ các địa phương. 

3 cách tiếp cận nguồn lực từ các địa phương

Từ kinh nghiệm nghiên cứu chính sách quản trị nghiên cứu khoa học và quá trình phục vụ nhiều năm trong các chương trình hợp tác với với các địa phương về phát triển nghiên cứu KHCN, người viết xin phép tổng hợp và đề xuất những cách tiếp cận sau để các giảng viên và các đại học có thể tham khảo: 

(1) Đại học và các địa phương tổ chức ký kết hợp tác, trong đó có nội dung nghiên cứu KHCN. Đồng thời, đại học cử đại diện phụ trách việc này sao cho các giảng viên có thể có được đề tài từ các địa phương một cách thuận lợi nhất.

(2) Đại học cử đại diện đến các địa phương để giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu, các công nghệ mới, các hướng nghiên cứu mới, năng lực nghiên cứu và năng lực phát triển công nghệ của đại học, … để các địa phương có thể có thêm thông tin và và có thể hỗ trợ các đại học thuận lợi trong việc tham gia ứng tuyển đề tài nghiên cứu của địa phương.

Ngoài ra, việc các đại học lắng nghe nhu cầu của địa phương về KHCN là điều rất quan trọng. Từ đó, các đại học có thể điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng thực tiễn và mang lại hiệu quả cao nhất thông qua hoạt động chuyển giao.

Thực tiễn cho thấy, một số địa phương có thể còn lúng túng trong việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phục vụ cho nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Ngược lại, có thể đã có không ít những đề xuất nghiên cứu từ các đại học không đáp ứng được yêu cầu của các địa phương và có những địa phương có những yêu cầu cao về công nghệ.

Các địa phương cần những giải pháp công nghệ cụ thể và có thể giải quyết được thực tiễn địa phương, chứ không chấp nhận những kết quả nghiên cứu chỉ thuần túy mang tính học thuật hoặc có thể lạc hậu như không ít đại học đã và đang làm.

(3) Các khoa, viện ở đại học có thể lập thành những nhóm nghiên cứu và cùng với đại diện của đại học tổ chức đi thực tiễn đến các địa phương để có thể tìm kiếm đề tài, cơ hội hợp tác phát triển nghiên cứu mới.

Đây là giải pháp mà các đại học rất nên làm vì có thể gắn kết sự phát triển của các đại học, đặc biệt là về KHCN, với thực tiễn cuộc sống. Bởi lẽ, nghiên cứu khoa học tách rời thực tiễn cuộc sống hay kết quả nghiên cứu làm để chỉ để vào ngăn kéo thì có thể dẫn đến lãng phí nguồi lực đầu tư, nhất là đối với những nước chưa thực sự giàu mạnh.

​Trong các giải pháp trên, có thể nói vai trò của đại diện đại học là rất quan trọng, là cầu nối giữa những giảng viên làm nghiên cứu ở các đại học và các địa phương.

Một vị đại diện của một đại học có hiểu biết đầy đủ về nghiên cứu khoa học, chính sách phát triển và quản lý nghiên cứu khoa học, đặc biệt là năng lực/nhu cầu nghiên cứu khoa học của đại học và của địa phương, và đặc biệt hơn nữa là khả năng ngoại giao khoa học sẽ góp phần quan trọng để các giảng viên ở đại học có thể được các địa phương tài trợ nghiên  cứu.

​Cũng cần nói thêm rằng, để tăng tính hiệu quả có sự phối hợp giữa các đại học với các địa phương thì cũng cần nhấn mạnh vai trò của đại diện địa phương thông qua các sở khoa học và công nghệ.

Các sở này cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đại học có thể tiếp cận nguồn kinh phí nghiên cứu tại các địa phương và có thể cùng phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

​Sự gắn kết giữa các đại học và các địa phương, đặc biệt là về KHCN, là một sự phối hợp rất tuyệt vời và chắc chắn sẽ góp phần hạn chế nguồn lực và tạo nên sức mạnh cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn đất nước đang rất quyết liệt thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET21); Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2019 – ​2020, 28/06/2021

Thu Hằng (TH16); Khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu, Báo điện ​tử Đảng cộng sản Việt Nam, 13/09/2016

Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (KHCN.HCM), ​https://dost.hochiminhcity.gov.vn/

Nguyễn Thị Hương (Huong19); Chuyển giao công nghệ trong điều kiện hiện nay ở nước ​ta, Tạp Chí Cộng Sản, 21/03/2019

TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang
#