Khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng và đánh giá nhà giáo

- Thứ Ba, 09/07/2024, 20:16 - Chia sẻ

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp, việc sử dụng và đánh giá nhà giáo ở các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Chiều 9.7, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Hơn 125.000 nhà giáo Hà Nội góp ý dự thảo Luật Nhà giáo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong một số nội dung cụ thể chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù của nhà giáo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhìn nhận, Luật Nhà giáo lần đầu tiên được xây dựng trong lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam.

Khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng và đánh giá nhà giáo -0
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Mặc dù các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành tương đối đầy đủ, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp. "Số lượng văn bản liên quan được ban hành lớn, đa dạng do nhiều chủ thể ban hành vào những thời điểm khác nhau nên có tình trạng chồng chéo trong quy định, khó áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết đối với sự phát triển giáo dục", Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nói.

Theo đó, thời gian qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai, xin ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo đến từng cán bộ quản lý, nhà giáo trên địa bàn thành phố. Theo đó, hơn 125.000 nhà giáo được xin ý kiến góp ý dự thảo Luật này. Bước đầu, các ý kiến ghi nhận dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng khoa học, logic, chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất giữa các nội dung, cơ bản xác định rõ vị trí, vai trò, hoạt động của nhà giáo nhằm chuẩn hóa đội ngũ.

Khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng và đánh giá nhà giáo -0
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi loại xếp loại đánh giá nhà giáo

Nêu ý kiến tại hội thảo, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay, những năm qua, việc sử dụng và đánh giá nhà giáo ở các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng được quan tâm và thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù nhiều văn bản ban hành nhưng chưa có một văn bản nào quy định cụ thể “sử dụng nhà giáo” gồm những nội dung gì.

Chưa có quy định về điều động, thuyên chuyển, biệt phái… đối với nhà giáo thực hiện như thế nào. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện nhiệm vụ cho người sử dụng nhà giáo và cả nhà giáo được sử dụng.

Ngoài ra, việc tính tiết kiêm nhiệm đối với nhà giáo được quy định tại nhiều văn bản, chưa được điều chỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc thực hiện tại các đơn vị có khó khăn và chưa thống nhất.

Khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng và đánh giá nhà giáo -0
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)  Nguyễn Thị Nhiếp nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiện các cơ sở giáo dục công lập thực hiện công tác đánh giá giáo viên theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13.8.2020 của Chính phủ. Trong đó, Điều 12, 13, 14, 15 xác định các tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở bốn mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Chưa hoàn thành nhiệm vụ.

So với Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ ban hành Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 88/20217/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NP-CP, thì các tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có tính chất định lượng hơn.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, nhiều tiêu chuẩn bên trong các tiêu chí rất khó ước lượng giá trị tỉ lệ %. Do đó, việc đánh giá và phân loại giáo viên còn định tính, chưa đảm bảo chính xác và công bằng.

“Hiện, nhà giáo vừa phải đánh giá xếp loại hàng năm theo Luật Viên chức, vừa phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp mất nhiều thời gian, thủ tục hồ sơ”, cô Nguyễn Thị Nhiếp nêu.

Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An bày tỏ mong muốn của nhà giáo làm công tác quản lý là, tới đây các văn bản dưới Luật Nhà giáo quy định rõ, định lượng được tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi loại xếp loại đánh giá nhà giáo. Qua đó, việc xếp loại giáo viên được chính xác, công bằng; khuyến khích, động viên nhà giáo phát triển năng lực nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

“Khi có Luật Nhà giáo sẽ giúp chuẩn hóa sử dụng nhà giáo đúng người, đúng việc cũng như đánh giá nhà giáo chính xác, công bằng. Nhờ đó, thúc đẩy mỗi nhà giáo tích cực tự học và sáng tạo, góp phần quan trọng vào phát triển nền giáo dục nước nhà”,  nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp nói.

Việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo đang được các địa phương triển khai khác nhau. Ông Phạm Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT Ba Vì cũng nêu ví dụ, ở Lào Cai, cơ quan lý giáo dục chủ trì tham mưu về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, cơ quan quản lý giáo dục chỉ là đơn vị phối hợp. "Thực trạng này có thể do các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể, việc phân cấp, phân quyền còn chung chung", ông Oanh cho biết.

Chia sẻ về tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay,  để tăng cường vai trò trực tiếp, chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được rà soát, cập nhật theo hướng làm rõ vai trò chủ trì tham mưu thực hiện của Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT đối với các hoạt động tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm nhà giáo.

Đồng thời, làm rõ vai trò trực tiếp, chủ động của Bộ GD-ĐT trong việc tham mưu cho Chính phủ và cơ quan quản lý giáo dục địa phương tham mưu cho UBND các cấp về việc thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về nhà giáo. Công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo được thực hiện đảm bảo nguyên tắc quản lý theo ngành, lãnh thổ và có sự phối hợp với các ngành khác trong quá trình thực hiện.

Minh Vân
#