Hôm nay, 4.700 thí sinh dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

- Thứ Bảy, 06/05/2023, 11:02 - Chia sẻ

Ngày 6.5, gần 4.700 học sinh từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023.

Vượt quãng đường 300km ra Hà Nội tham dự kỳ thi

6h sáng ngày 6.5, Đức Vĩnh (sinh năm 2005, quê huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có mặt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực.

Năm nay, Vĩnh dự định đăng ký xét tuyển vào trường ở 2 ngành Sư phạm tiếng Anh và Sư phạm Vật lý. Kỳ thi Đánh giá năng lực do chính Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức giúp em có thêm cơ hội trúng tuyển vào trường, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Vĩnh cùng anh trai bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Nội vào chiều hôm trước. Nam sinh cho biết khá lo lắng, tuy nhiên sẽ cố gắng giữ bình tĩnh để đạt được kết quả tốt nhất.

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Điểm thi tại Nhà C, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Thí sinh tham dự kỳ thi

Anh Nguyễn Văn Lâm (quê Nghệ An) đưa con gái vượt quãng đường 300km ra Hà Nội tham dự kỳ thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lo con đi đường xa mệt mỏi, hai cha con anh Lâm quyết định ra bắt xe từ đêm ngày 4.5, đến sáng sớm 5.5 mới tới Hà Nội, sau đó thuê phòng trọ để nghỉ ngơi.

Người cha tâm sự, con gái anh có nguyện vọng học ngành Sư phạm Toán hoặc Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đã nỗ lực rất nhiều cho kỳ thi do trường tổ chức.

“Thời gian gần đây cháu học nhiều lắm, những ngày gần thi đều học tới 3h sáng”, anh chia sẻ.

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Phụ huynh chờ đợi con gần khu vực thi, có nhiều phụ huynh tới từ tỉnh xa
Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Do có mặt tại điểm thi từ sáng sớm, nhiều thí sinh tranh thủ ăn sáng 

Năm 2023, có 4.667 thí sinh dự thi Đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Trong đó: 2.912 thí sinh thi Toán, 2.876 thí sinh thi Ngữ Văn, 2.248 thí sinh thi Tiếng Anh, 902 thí sinh thi Vật lý, 832 thí sinh thi Hoá học, 88 thí sinh thi Sinh học, 1.010 thí sinh thi Lịch sử, 289 thí sinh thi Địa lý. So với kỳ thi thí điểm được tổ chức năm 2022, số lượng thí sinh đã tăng gấp đôi.

Thí sinh làm bài thi trên giấy, tại các điểm thi Trường THPT Chuyên Sư phạm (60 phòng thi); Nhà K, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (48 phòng thi); Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (40 phòng thi); Nhà C, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (18 phòng thi) và Trường Đại học Quy Nhơn (2 phòng thi).

Thời gian thi chỉ diễn ra trong ngày 6.5, trong đó buổi sáng tổ chức thi các môn Toán (90 phút), Ngữ Văn (90 phút), Tiếng Anh (90 phút); buổi chiều tổ chức thi các môn Vật lý (60 phút), Hóa học (60 phút), Sinh học (60 phút), Lịch sử (60 phút), Địa lý (60 phút), Tiếng Anh (60 phút).

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Thí sinh tranh thủ ôn tập trước khi vào thi

Các khâu của kỳ thi vẫn phải tuân thủ đúng quy định của Bộ GD-ĐT

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu. Những người thực thi “quốc sách” đó trực tiếp chính là các thầy cô giáo.

Do đó, việc tuyển chọn, đào tạo sinh viên để trở thành những giáo viên tốt trong tương lai là trọng trách của các trường sư phạm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu đã tổ chức thử nghiệm kỳ thi Đánh giá năng lực vào năm 2022. Đến năm 2023, nhà trường chính thức tổ chức kỳ thi này.

“Đặc biệt hơn, kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được hệ thống các trường sư phạm trên toàn quốc công nhận, sử dụng để xét tuyển. Chúng tôi hy vọng đây là kỳ thi có chất lượng tốt giúp tuyển chọn những sinh viên có tiềm năng vào các trường sư phạm”, GS Minh cho hay.

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 

Theo GS Minh, dù là kỳ thi do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, tuy nhiên các khâu trong quá trình tổ chức kỳ thi vẫn phải tuân thủ đúng theo những yêu cầu, quy định của Bộ GD-ĐT, từ khâu ra đề, vận chuyển đề, coi thi, chấm thi,…

Năm 2023, trường chỉ tổ chức duy nhất một đợt thi đánh giá năng lực vào ngày 6.5. Với các thí sinh chưa có điều kiện tham gia thi đợt này nhưng mong muốn xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Minh đưa ra lời khuyên, các em có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển như các năm.

“Mọi năm, chúng ta vẫn đang sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, nếu dịch chuyển quá nhanh sẽ khiến thí sinh khó thích nghi, cần có lộ trình chuyển đổi. Do đó, năm nay số chỉ tiêu cao nhất ở từng ngành mà chúng tôi dành cho phương thức xét điểm thi Đánh giá năng lực là chưa đến 30%. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT cùng các phương thức khác vẫn chiếm hơn 70%”, GS Minh thông tin.

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước giờ thi

GS Minh cũng nhấn mạnh, chứng nhận kết quả thi Đánh giá năng lực chỉ có giá trị xét tuyển đại học trong cùng năm tuyển sinh. Trường hợp thí sinh không dùng để đăng ký xét tuyển năm nay, nhà trường sẽ không xét bảo lưu kết quả.

Vì sao các môn thi Đánh giá năng lực đều có phần tự luận?

Nói về điểm khác biệt của đề thi Đánh giá năng lực với đề thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết trong đề thi tốt nghiệp THPT, nhiều môn thi 100% là câu hỏi trắc nghiệm (trừ môn Văn).

Với đề thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tất cả các môn đều có cả câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, riêng Môn Ngữ văn, phần tự luận chiếm 70%, trắc nghiệm chiếm 30%. Những môn còn lại, phần trắc nghiệm chiếm 70%, tự luận 30%.

“Lý do chúng tôi xây dựng đề thi như vậy là bởi học sinh phổ thông hiện nay chủ yếu vẫn thi trắc nghiệm, nếu dịch chuyển đề thi một cách quá sớm sẽ làm cho các em sốc. Cho nên, phải có lộ trình dịch chuyển dần từng bước một trong đề thi. Bên cạnh đó, cả hình thức kthi trắc nghiệm hay tự luận đều có những ưu - nhược điểm riêng, chúng tôi muốn tận dụng những ưu điểm của từng hình thức để đưa vào đề thi”, GS Minh lý giải.

Gần 4.700 thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  -0
Các môn thi Đánh giá năng lực đều có cả câu hỏi trắc nghiệm và tự luận

Điểm khác biệt thứ hai, theo GS Minh, nếu như trong đề thi tốt nghiệp THPT, các câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết khá nhiều, thì trong đề thi Đánh giá năng lực, phần Nhận biết sẽ ít, chủ yếu là các câu hỏi ở mức độ Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao để tìm ra những thí sinh có khả năng.

Về lý do trong các môn thi Đánh giá năng lực đều có phần tự luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, người giáo viên đi dạy, ngoài việc bản thân có kiến thức, còn phải biết cách diễn đạt làm cho học sinh hiểu được.

Vì vậy, tự luận là một trong những yếu tố ban đầu để phát hiện ra thí sinh đó có tiềm năng trình bày cho người khác hiểu hay không. “Đây là một trong các phẩm chất rất cần thiết đối với nhà giáo”, ông nhấn mạnh.

Được biết, tới đầu tháng 6, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ công bố kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2023.

Thí sinh có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học sư phạm gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Quy Nhơn.

Về đội ngũ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi Đánh giá năng lực:

Đội ngũ biên soạn đề thi: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, trình độ chuyên môn cao thuộc các Khoa đào tạo giáo viên, tương ứng với các môn học ở trường phổ thông.

Nhiều cán bộ, giảng viên tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi là thành viên chính xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm cho Bộ GD-ĐT. Trường cũng đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.

Đội ngũ cán bộ phân tích đề thi: Trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo các lý thuyết khảo thí hiện đại. Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 4 cán bộ phân tích đề thi, bao gồm: 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh và 2 thạc sĩ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.

Đội ngũ cán bộ chấm thi: Trường có đội ngũ chấm thi đông đảo, bao gồm: giảng viên của 23 khoa đào tạo và giáo viên của 3 trường THPT trực thuộc.

Đội ngũ cán bộ chấm thi có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên đã tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).

Đội ngũ cán bộ tổ chức thi và cán bộ hỗ trợ: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có các đơn vị chuyên trách tổ chức thi, các đơn vị hỗ trợ thi về cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Hàng năm, trường tổ chức hàng chục đợt thi với quy mô vài nghìn thí sinh/đợt như thi tuyển sinh đại học, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 các trường THPT trực thuộc, thi kết thúc học phần và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Do vậy, đội ngũ cán bộ tổ chức thi, hỗ trợ kỹ thuật được tích lũy nhiều kinh nghiệm và am hiểu quy chế thi.

Nguyễn Liên
#