Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thu nhập, môi trường và cơ chế tốt sẽ có giảng viên, nhà khoa học giỏi”

- Thứ Năm, 17/11/2022, 11:39 - Chia sẻ

Để thu hút giảng viên, nhà khoa học xuất sắc, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dựa trên các điều kiện: Mức thu nhập xứng đáng - Môi trường làm việc tốt - Cơ chế giúp giảng viên có khả năng sáng tạo một cách tốt nhất.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, về việc thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi về làm viêc.

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thu nhập, môi trường và cơ chế tốt sẽ có giảng viên, nhà khoa học giỏi” -0
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, hiện nay Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sỹ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 giáo sư, phó giáo sư, chiếm 26,19%. Năm 2022, Trường có 16 phó giáo sư và 2 giáo sư được công nhận đạt chuẩn.

“Mỗi Người Bách khoa có khát vọng làm việc và cống hiến, cùng quyết tâm để phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ mà ngành giáo dục đòi hỏi, mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Chúng tôi tự hào rằng, Người Bách khoa là tài sản quý báu nhất của Trường, triết lý cốt lõi của Đại học Bách khoa Hà Nội là “Nhà trường làm nền tảng, người thầy là chủ thể, là động lực phát triển, người học là trung tâm”. Những thế hệ Người Bách khoa hiện nay sẽ tiếp nối, sẽ làm việc hết mình để kế thừa và phát triển những thành quả tự hào của Trường” – PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thu nhập, môi trường và cơ chế tốt sẽ có giảng viên, nhà khoa học giỏi” -0
Sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội

3 điều kiện để thu hút được giảng viên giỏi

- Theo ông, một trường đại học muốn thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi cần những điều kiện gì?

Theo tôi cần 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, thu nhập của các thầy cô phải ở mức xứng đáng - đủ sống ở mức trung bình khá của xã hội. Còn nếu mong làm giảng viên để có nhiều tiền thì các thầy/cô đã không chọn nghề này.

Thứ hai, một điều rất quan trọng với giảng viên đại học, đó là phải có môi trường/nhóm làm việc bao gồm các đồng nghiệp và các sinh viên. Các thầy/cô có thể tạo ra các nhóm, thực hiện nghiên cứu và giảng dạy. Lúc đó, các thầy/cô sẽ gắn bó với trường hơn.

Thứ ba, nhà trường phải có cơ chế để hỗ trợ các thầy/cô luôn nuôi dưỡng niềm đam mê, luôn thúc đẩy nghiên cứu và các thầy cô được phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo, tự do học thuật của bản thân.

Theo đó, một giảng viên sẽ luôn có 2 nhiệm vụ: Giảng dạy và Nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ giảng dạy với các thầy cô có lẽ dễ thực hiện hơn và được đánh giá chất lượng thông qua đánh giá của người học, đánh giá của các đồng nghiệp. Còn về nghiên cứu, sẽ cần có một chút tính tự do để phát huy sáng tạo của các giảng viên nhưng đồng thời cũng cần có tính đồng đội, tính kết nối giữa các thầy/cô với nhau để có thể tạo dựng thành một nhóm nghiên cứu, tạo ra những kết quả lớn.

Hiện có thể nói những nghiên cứu của thầy/cô nếu không liên kết hợp tác với nhau thành nhóm thông thường sẽ không ra được kết quả như mong muốn. Với quan điểm như thế, Nhà trường sẽ phải có đánh giá chất lượng thầy/cô trong nghiên cứu như có bao nhiêu bài báo, bằng sáng chế được công bố; sự tham gia của các sinh viên, các đồng nghiệp với các thầy/cô như thế nào, các nhóm nghiên cứu quốc tế nào các thầy cô tham gia…

Việc đánh giá là yêu cầu nhưng cũng là cơ chế khuyến khích các thầy/cô đăng ký từ đề tài cấp nhỏ nhất – cấp Trường, rồi đến cấp Bộ, cấp Nhà nước, các đề tài quốc tế khác nhau, dự án quốc tế.

Nhà trường hỗ trợ tối đa những nghiên cứu đấy có thể thực hiện tốt nhất. Ví dụ như hàng năm, từ các Quỹ nghiên cứu trong nước như Nafosted, VinIF, … Bách khoa Hà Nội cũng có số lượng đề tài được tài trợ rất đông.

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thu nhập, môi trường và cơ chế tốt sẽ có giảng viên, nhà khoa học giỏi” -0
Giảng viên, sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm

Tạo cơ hội cạnh tranh, phát triển năng lực

- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai cơ chế đột phá thu hút, tuyển dụng giảng viên xuất sắc, nhà khoa học giỏi như thế nào?

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai Đề án thu hút, tuyển dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc giai đoạn 2021-2025 với mong muốn thu hút 2 nhóm đối tượng giảng viên. Đó là: Nhóm A - các giảng viên trẻ đam mê nghiên cứu, có quá trình nghiên cứu rất tốt trong giai đoạn làm tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ ở nước ngoài, có những công bố tốt/những phát minh sáng chế.

Khi nhận thấy ứng viên có khả năng đột phá trong một số lĩnh vực, đủ tiêu chuẩn để trở thành cán bộ giảng dạy, Nhà trường sẽ tạo điều kiện để họ tạo dựng các nhóm nghiên cứu, kết nối với các nhóm nghiên cứu hiện có ở Bách khoa Hà Nội.

Dựa trên năng lực và lĩnh vực các giảng viên xuất sắc đã có, tạo thành nhóm nghiên cứu tốt hơn, đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyển dụng Nhóm B - những giáo sư, phó giáo sư đã có uy tín học thuật, có tên tuổi nhất định. Khi từ nước ngoài trở về Bách khoa Hà Nội, họ sẽ tạo ra được một liên kết mạnh với các giảng viên trẻ trong trường, với mối quan hệ của họ với giới công nghiệp, với các chuyên gia quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu của Đề án đặt ra là thu hút, tuyển dụng được khoảng 30 giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, ưu tiên các nhóm ngành Điện - Điện tử, Cơ khí - Hàng không - Chế tạo, Toán ứng dụng và Tin học, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Hóa - Sinh học - Thực phẩm - Môi trường, Vật liệu, Vật lý và Năng lượng.

Tiêu chí là các giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trẻ có tuổi dưới 40 (nhóm A), là tác giả chính của 1 công bố đăng trong hệ thống tạp chí Nature hoặc Science hoặc tối thiểu 5 công bố ISI/Scopus, trong đó ít nhất 2 công bố thuộc nhóm tạp chí Q1 hoặc Conference Rank A* uy tín trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp, với tổng số trích dẫn tối thiểu đạt 300 hoặc chỉ số H-index toàn bộ tối thiểu là 10; hoặc đã có tối thiểu 01 phát minh sáng chế hoặc 02 giải pháp hữu ích và đã chủ trì cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ. 

Đề án cũng hướng tới các ứng viên là nhà khoa học uy tín (Giáo sư, Phó giáo sư,…) (nhóm B) có kinh nghiệm dẫn dắt nhóm nghiên cứu, kinh nghiệm giảng dạy theo định hướng quốc tế hóa tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước.

Các giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc khi về công tác tại ngôi trường được đảm bảo thu nhập cạnh tranh, có cơ hội thể hiện và phát triển năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Nhà trường gắn quyền lợi ưu đãi của cá nhân với yêu cầu cần đạt được để phục vụ mục tiêu chung của Trường.

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: “Thu nhập, môi trường và cơ chế tốt sẽ có giảng viên, nhà khoa học giỏi” -0
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tài trợ kinh phí để thực hiện 1 đề tài trọng điểm với mức kinh phí từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/năm

Hỗ trợ mỗi đề tài mức kinh phí từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/năm

- Vậy các nhà khoa học về trường làm việc được hưởng chế độ đãi ngộ như thế nào thưa ông?

Đề án thu hút, tuyển dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc được xây dựng cho lộ trình 2021-2025, sẽ là một giải pháp đột phá để thu hút giảng viên, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, làm việc tại Trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, đưa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển thành một đại học nghiên cứu đa lĩnh vực.

Các nhà khoa học về công tác tại Trường theo đề án này, được Trường tài trợ kinh phí để thực hiện 1 đề tài trọng điểm với mức kinh phí từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/năm, căn cứ theo đề xuất của ứng viên và được Hội đồng tư vấn thẩm định phê duyệt.

Ngoài ra, giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc sẽ được nhà Trường hỗ trợ để được hưởng chế độ theo cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Chúng tôi rất tự hào về chất lượng đội ngũ giảng viên Bách khoa. Tất cả các thầy/cô đều say mê và tận tình với công việc, đam mê nghề nghiệp. Đặc biệt, phần lớn các ngành của Bách khoa Hà Nội là ngành kỹ thuật nên các thầy/cô luôn chịu khó học hỏi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, miệt mài làm việc, NCKH để cập nhật với thực tế công nghệ thay đổi rất nhanh chóng hiện nay.

- Có quan điểm cho rằng, cứ đầu tư nhiều tiền ắt có nghiên cứu khoa học tốt, ông đánh giá thế nào về cách nghĩ này?

Không hoàn toàn như vậy. Tiền là một phần rất quan trọng nhưng không phải là tất cả để giải quyết vấn đề. Để các thầy/cô tạo dựng nghiên cứu, theo tôi, mỗi thầy cô cần có sự lựa chọn lĩnh vực mà mình có đam mê nghiên cứu, để theo đuổi, có khi suốt cuộc đời làm khoa học.

Bên cạnh đó, các thầy cô cần tạo dựng nhóm nghiên cứu, mạng lưới tốt, không chỉ là các nhà khoa học ở Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nhà trường tạo điều kiện tối đa để các thầy cô phát triển nghiên cứu, với định hướng ngiên cứu có hàm lượng khoa học cao, mang kết quả nghiên cứu ấy đưa ra công nghiệp hoặc đưa ra quốc tế.

Như vậy, chất lượng nghiên cứu của các thầy cô sẽ đủ giá trị để xin kinh phí từ các đề tài khoa học các cấp, các quỹ, từ doanh nghiệp. Các thầy cô sẽ có kinh phí để nghiên cứu. Vòng xoáy cứ lặp lại như thế.

Hiện nay Nhà Trường đang thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu, để tỷ lệ kinh phí hoạt động của Trường đến từ NCKH và CGCN sẽ tăng lên, phát triển bền vững theo đúng nghĩa của một Trường đại học nghiên cứu.

Để thu hút giảng viên xuất sắc, nhà khoa học giỏi, Nhà trường dựa trên các điều kiện: Mức thu nhập xứng đáng; Môi trường làm việc tốt nhất có thể; Những cơ chế giúp giảng viên có khả năng sáng tạo một cách tốt nhất.

- Xin trân trọng cám ơn ông!

Gia Hân - Hồng Hạnh
#