Hàng loạt vấn đề giáo dục “nóng” tuần qua

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 09:08 - Chia sẻ

Hàng nghìn công chức, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc; Nhiều bất cập trong lựa chọn sách giáo khoa; Đề xuất chi 3.500 tỉ mua sách giáo khoa cho học sinh mượn; Trên 567.000 thí sinh đỗ đại học đợt 1; Xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh… là những vấn đề “nóng” trong giáo dục tuần qua do Báo Đại biểu Nhân dân điểm lại.

Có tới 16.400 cán bộ, viên chức ngành giáo dục nghỉ việc

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 1.10, Bộ Nội vụ cho biết, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. 

Tỉ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%.

Trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục nhiều nhất là hơn 16.400 người, ngành y tế  là 12.198 người. Nguyên nhân là do áp lực nhiều và mức thu nhập.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đưa ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về việc trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đưa ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về vấn đề này, trong đó, nhận định Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống. 

Ông Thăng chia sẻ, Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa

Trong 2 ngày (28, 29.9), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh lại những điểm mới quan trọng khi triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Theo đó, mục đích đổi mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Đây là một việc mới, khó khăn, chưa từng có trong tiền lệ.

Hàng loạt vấn đề giáo dục “nóng” tuần qua -0
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh lại những điểm mới quan trọng khi triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Để thực hiện một chương trình nhiều bộ sách (một chương trình thống nhất cả nước và mỗi một môn học có một hoặc một số SGK), chương trình được thiết kế theo hướng mở.

Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, đến nay 6 nhà xuất bản đã trực tiếp tham gia biên soạn và xuất bản SGK cho 6 khối lớp.

Đối với lựa chọn sách, ông Độ cho rằng, năm đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 88, quyền lựa chọn SGK thuộc về cơ sở giáo dục; từ năm sau, thực hiện theo Luật Giáo dục, UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của cơ sở giáo dục.

Hàng loạt vấn đề giáo dục “nóng” tuần qua -0
Học sinh tham khảo sách giáo khoa.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) thừa nhận, qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập liên quan đến việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học; một số nội dung, thuật ngữ; sự chênh lệch giữa tiến trình nội dung bài học giữa các SGK khác nhau trong một môn học; chất lượng một số bản mẫu; việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK; công tác thẩm định SGK…

Theo đó, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời

Ngày 1.10, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (HTSĐ) năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch Covid -19”.

Đây là sự kiện mở màn khởi đầu cho các chuỗi hoạt động của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời trên phạm vi cả nước. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời, tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19.

Trên 567.000 thí sinh đỗ đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, hơn 3.500 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến 17h ngày 30.9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. 

Hàng loạt vấn đề giáo dục “nóng” tuần qua -0
Thí sinh nhập học vào trường ĐH Đại Nam.

Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn, do thí sinh còn chọn các phương thức khác, mà hệ thống không kiểm soát được. Tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Bộ GD-ĐT đề xuất chi 3.500 tỉ mua sách giáo khoa cho 70% học sinh mượn

Theo báo Thanh niên, tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28.9, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thông tin Bộ đã giao cho vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.

Ông Thưởng cho biết Bộ đã xây dựng 3 phương án, một là nhà nước mua 100%; hai là nhà nước mua 70% số sách giáo khoa theo nhu cầu; ba là mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo mượn như hiện nay.

"Qua phân tích, đánh giá thì chúng tôi chọn phương án 2 là nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua sách giáo khoa sử dụng riêng", ông Thưởng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Thưởng, qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỉ, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

"Bộ trưởng và tôi đã trực tiếp sang làm việc với Bộ Tài chính và thảo luận một số lần về vấn đề này. Năm nay thì đương nhiên không kịp rồi vì nếu Chính phủ cho phép thì sẽ thực hiện từ năm sau và các năm tiếp theo", ông Thưởng thông tin

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, nếu thực hiện được thì sẽ giải quyết được những bức xúc về giá sách giáo khoa, con em vẫn được học những cuốn sách giáo khoa tốt, không bị căn bệnh học đường do ảnh hưởng về giấy và chất lượng in sách giáo khoa.

Xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh

Sáng 30.9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai.

Theo báo Tuổi trẻ, tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thành Hưng nêu câu hỏi về việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa thời gian qua đã nảy sinh các vấn đề bất cập, trong đó theo phản ánh của báo chí, bộ sách Cánh Diều đã có những "hạt sạn". Do đó đề nghị xem xét lại vấn đề này.

Cử tri này cũng đề nghị xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Bởi thời gian qua dư luận, báo chí rất bức xúc và cho rằng hội này lập ra dường như là "cớ để các trường thu các khoản, quỹ".

Trên 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc: Ngành giáo dục, y tế chiếm số lượng nhiều nhất
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri.

Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay vấn đề đổi mới trong giáo dục phổ thông với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội. Trong đó Quốc hội chỉ đạo thông qua nghị quyết 88 và nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Sơn nhắc lại việc trước đây chương trình có tính chất khung, còn sách giáo khoa là chỗ dựa căn bản để triển khai. Còn giai đoạn đổi mới hiện nay chương trình được biên soạn một cách chi tiết và lấy đó làm chỗ dựa cho giáo viên để triển khai dạy, học, với sách giáo khoa sẽ là học liệu, tài liệu giúp giáo viên, học sinh triển khai chương trình...

Về việc cử tri nêu bộ sách Cánh Diều có "hạt sạn", ông Sơn đề nghị cần chỉ rõ sạn ở chỗ nào, trang nào, số bao nhiêu để kịp thời soát xét, sửa chữa.

Ông nhấn mạnh rất cầu thị, nếu phát hiện sạn chỗ nào sẽ gửi cho nhóm tác giả, nhà xuất bản xử lý ngay.

"Còn nếu là câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 đã qua vài năm thì đã được chỉnh sửa, soát xét. Quy trình của bộ thẩm định sách giáo khoa do các cá nhân, nhà xuất bản trình lên hiện đều cẩn thận nhất có thể", ông Sơn nói.

Về quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định "đúng là vấn đề rất nhạy cảm". Ông nói thời gian đầu năm học, báo chí đã phản ánh về việc một số hội cha mẹ học sinh liên quan đến việc thu chi...

"Việc này bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo", ông Sơn nói thêm. 

TP.HCM phạt một trường tư thục 45 triệu đồng vì vi phạm tuyển sinh

Thông tin trên báo chí, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa ký quyết định xử phạt Trường THCS - THPT Đào Duy Anh 45 triệu đồng vì vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh và vi phạm về việc cho phép hoạt động giáo dục.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh hiện có hai cơ sở. Trong đó, cơ sở 1 ở quận 6, TP.HCM đã được cấp phép hoạt động nhưng đang sửa chữa nên đầu năm học 2022-2023 sở không cấp chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho trường. 

Cơ sở 2 của Trường Đào Duy Anh ở quận Tân Phú, TP.HCM chưa được cấp phép hoạt động vì chưa đủ điều kiện. Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, mặc dù chưa được cấp phép nhưng năm học 2022-2023 Trường Đào Duy Anh vẫn tuyển sinh lớp 10 và tổ chức giảng dạy tại cơ sở 2 ở quận Tân Phú. 

Cô giáo bị buộc thôi việc vì bốc lại đồ ăn giữa nền nhà cho trẻ

Một cô giáo mầm non ở Bình Dương bốc thức ăn bị rơi giữa nền nhà vào lại khay cho trẻ sử dụng đã bị buộc thôi việc.

Trên Báo Dân trí, lãnh đạo Trường mầm non S.M, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thông tin, trường đã cho cô N.T.C.K. nghỉ việc sau hành vi bốc lại thức ăn rơi giữa nền nhà cho trẻ sử dụng. 

Trường cũng đã gửi báo cáo giải trình về sự việc lên Phòng GD-ĐT TP Thủ Dầu Một về sự việc. 

Trước đó, ngày 29.9, trên mạng xã hội, xuất hiện clip ngắn ghi lại giờ ăn ở trường mầm non S.M. Clip xuất hiện hình ảnh bé trai tay đang bó bột làm rơi khay cơm. 

Một bảo mẫu phụ trách lớp đang cho các trẻ khác ăn phát hiện sự việc đã tiến lại chỗ bé trai. Cô đưa tay hốt lại đồ ăn rồi đặt lại bàn để bé trai tiếp tục sử dụng. 

Sau sự việc trên, nhà trường xin lỗi gia đình vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Lãnh đạo Trường mầm non S.M cho biết, cô C.K. thừa nhận hành vi của mình chưa đúng mực. 

Nhà giáo viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời

Nhà giáo ưu tú không tay với kỷ lục "Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân" Nguyễn Ngọc Ký qua đời vào sáng sớm ngày 28.9 ở tuổi 75.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại Nam Định. Ông bị sốt bại liệt năm lên 4 tuổi dẫn đến liệt cả hai tay. Hồi bé, ông không thể đi học nhưng vẫn miệt mài luyện viết chữ bằng chân và làm tất cả mọi việc bằng đôi chân của mình. Sau này, khi nhà trường tin ông có thể viết bằng chân, ông mới chính thức đi học. 

Hàng loạt vấn đề giáo dục “nóng” tuần qua -0
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Hành trình đi học của thầy Nguyễn Ngọc Ký sau này được đưa vào sách giáo khoa với câu chuyện "Bàn chân kì diệu" nổi tiếng. 

Năm 1963, thầy Ký được cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, ông đạt được hạng 5 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.

Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên.

Năm 1992, thầy Nguyễn Ngọc Ký được công nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Sau đó, ông chuyển vào TPHCM sinh sống và làm việc. 

Hồng Hạnh (tổng hợp)
#