Hà Nội: Hơn 1.000 học sinh được tư vấn hướng nghiệp khối ngành Sức khỏe và Ngôn ngữ

- Chủ Nhật, 05/05/2024, 10:57 - Chia sẻ

Sáng 4.5, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành Đô và các đơn vị tổ chức chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Sức khỏe  - Ngôn ngữ” cho hơn 1.000 học sinh THPT.

Tại chương trình, các đại biểu tham dự đã thông tin cụ thể hơn về khối ngành Sức khỏe và Ngôn ngữ để học sinh hiểu rõ hơn về ngành học.

TS. Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho biết, năm 2024, phương án xét tuyển vào ngành Dược vô cùng đa dạng.

Đối với Trường Đại học Thành Đô, học sinh có thể dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển vào ngành này với điều kiện là kết quả lớp 12 phải đạt loại giỏi. Nếu kết quả học tập lớp 12 không đạt loại giỏi, các em học sinh có thể đăng ký vào trung cấp, cao đẳng, sau đó có thể học liên thông.

Ngoài xét tuyển học bạ, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Tốt nghiệp ngành Dược các em có thể làm việc tại khoa Dược của các bệnh viện; tại các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm; tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc; hoặc có thể tự mình mở công ty dược, nhà thuốc và làm chủ đầu tư hệ thống nhà thuốc",  TS. Nguyễn Thúy Vân nói.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách hiện đang công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 chia sẻ, tuy ngành Y có thời gian học rất dài so với các ngành nghề khác nhưng hiện cơ hội việc làm là rất lớn.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách thông tin, hiện nay, tỷ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Nguồn nhân lực rất thiếu trong khi đó ngành Y là khối ngành dọc, thu hút rất nhiều nhân lực, từ bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… Do đó, “các bạn học sinh lựa chọn ngành Y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện nhà nước, các công ty dược phẩm…”.

Bên cạnh khối ngành Y, Dược thì khối ngành Ngôn ngữ cũng nhận được rất nhiều quan tâm từ các em học sinh.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, TS. Phạm Như Nghệ, lưu ý, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.

Một điểm đáng lưu ý nữa là hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

“Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển”, TS. Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.

Tại cuộc đối thoại, nhiều học sinh quan tâm về việc 2024 là năm cuối thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cũ. Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nếu thí sinh không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đại học năm nay thì làm thế nào để được xét tuyển đại học vào năm sau.

TS. Phạm Như Nghệ cho biết, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau: một đề nội dung theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.

Học sinh hoàn toàn có thể yên tâm rằng không phải học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 mà phải thi theo chương trình của năm 2018. Bộ GD-ĐT sẽ bảo đảm công bằng cho các em, TS. Phạm Như Nghệ khẳng định.

Quốc Việt
#