Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao?

- Thứ Tư, 08/03/2023, 16:37 - Chia sẻ

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong đào tạo trình độ tiến sĩ của ngành nghệ thuật, đề xuất có cơ chế cho giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ là có cơ sở.

Khắc phục bất cập trong kiện toàn hệ thống giảng viên

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ngày 6.3, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị còn nhiều tồn tại, bất cập, đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với đặc thù là cơ sở đào tạo nghệ thuật nên số lượng nghiên cứu sinh tuyển đào tạo hàng năm không nhiều.

Hơn nữa, việc các nghệ sĩ, giảng viên trình độ thạc sĩ học tiến sĩ, tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu không dễ dàng. Chính vì vậy, nhà trường rất khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu ở các cấp học đáp ứng theo tiêu chí thay đổi trong quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm.

Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao? -0
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tham quan cơ sở vật chất tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

Cụ thể, mặc dù Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã nâng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo, tuy nhiên các ngành đào tạo nghệ thuật vẫn rất khó khăn trong việc sắp xếp đủ số lượng giảng viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội hiện có 168 biên chế. Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ nếu tính cả giảng viên cơ hữu và 40% giảng viên thỉnh giảng đến thời điểm này đủ điều kiện để đào trình độ tiến sĩ cho hai mã ngành hiện tại (Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử và phê bình nghệ thuật điện ảnh - truyền hình). Tuy nhiên, vướng mắc từ thực tế cho thấy quy chế này nên có độ mở hơn nữa đối với khối ngành đào tạo nghệ thuật.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đình Thi phân tích, quy định Hội đồng đánh giá luận văn trong Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT, Hội đồng đánh giá luận án trong Thông tư 18/2021/TT-BGDĐ, phải là người có trình độ tiến sĩ. Thực ra, họ không chỉ ngồi hội đồng mà còn tham gia vào quá trình giảng dạy. Vì thế, tỷ lệ đội ngũ giảng viên thỉnh giảng nên tăng lên, nếu được, trong khối ngành nghệ thuật nên xem họ như những giảng viên cơ hữu về mặt số lượng.

“Bởi vì trên thực tế các thầy cô ở ngoài vào giảng dạy cũng dành nhiều thời gian, tâm sức, trí tuệ cho công tác đào tạo của các cơ sở đào tạo nói chung, chứ không riêng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Vì thế, việc công nhận số lượng tương đương như giảng viên cơ hữu là cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Đình Thi nói.

Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao? -0
Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân vốn được xem như “chuyên gia” trong lĩnh vực nghệ thuật đó. Nguồn: edu2review.com

Hơn nữa, đặc thù của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu điện ảnh có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Họ vốn được xem như “chuyên gia” trong lĩnh vực nghệ thuật đó, tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp, các nghệ sĩ hầu như chỉ chú trọng về chuyên môn, chứ không phải học vị, học hàm. Điều này kéo theo “cái khó” cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật khi kiện toàn đội ngũ giảng viên đáp ứng quy định đào tạo sau đại học, bao gồm cả đối tượng giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, người hướng dẫn nghiên cứu sinh, người ngồi Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ…

Đó là lý do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có thể tính danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ khi gắn với công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành nghệ thuật. “Chúng tôi không phủ nhận, đánh giá thấp vai trò của lý luận, nhưng ở khối ngành nghệ thuật, cơ sở thực tiễn vô cùng quan trọng. Để luận văn thạc sĩ, luận án của nghiên cứu sinh có tính thuyết phục, nghệ sĩ nhân dân hay nghệ sĩ ưu tú hoàn toàn có thể tham gia được vào quá trình đào tạo tiến sĩ, nhưng muốn vậy, họ phải được tính tương đương như tiến sĩ” - PGS.TS Nguyễn Đình Thi giải thích.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi lấy ví dụ, NSND Lý Thái Dũng thuộc hàng đầu về quay phim ở Việt Nam nhưng bây giờ để mời anh tham gia hướng dẫn hay phản biện trong Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ là không thể vì anh không có học vị. Thế nhưng, “nếu muốn phân tích cặn kẽ, thuyết phục về khuôn hình, hình ảnh quay phim thì chuyên gia phải chính là anh ấy, chứ không phải ai khác”.

Khoảng trống trong đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật

Thực tế, khó khăn của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng là khó khăn chung của các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong cả nước. Trong cuộc làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Đại học Huế mới đây, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, ĐH Huế, TS. Đỗ Xuân Phú cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập từ cơ sở. “Hiện tại một số quy định của nhà nước đang làm khó cho các trường văn hóa nghệ thuật. Tôi đã rất nhiều lần đặt câu hỏi, trong nước không có cơ sở nào đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên môn, nhưng tại sao trong văn bản vẫn yêu cầu trường chúng tôi và một số trường đào tạo văn hóa nghệ thuật phải có trình độ tiến sĩ để tham gia đào tạo, quản lý hay muốn mở ngành đào tạo? Rất mong sớm có sự cân nhắc, điều chỉnh bất cập để không thiệt thòi cho các trường văn hóa nghệ thuật”.

Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao? -0
Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, ĐH Huế, TS. Đỗ Xuân Phú cũng thẳng thắn chỉ ra bất cập trong đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, câu chuyện đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật vốn dĩ gặp rất nhiều khó khăn, đến từ lịch sử của đào tạo tiến sĩ. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam có sự hỗ trợ của các nước Đông Âu trong đào tạo tiến sĩ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực nghệ thuật. Sau đó là giai đoạn hẫng hụt, để lại khoảng trống trong đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật đến nay.

“Đơn cử, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - nơi tôi làm lãnh đạo trước đây - là cơ sở đào tạo đầu tiên về tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật. Đầu tiên có hai mã số Âm nhạc và Lịch sử văn hóa nghệ thuật, bắt đầu đào tạo năm 1989. Đến năm 2004 mới chuyển sang 6 mã số như hiện có: Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Văn hóa dân gian, Lý luận và lịch sử sân khấu, Lý luận và lịch sử phê bình điện ảnh, Lý luận và lịch sử phê bình mỹ thuật. Tức về mặt lý thuyết, đến năm 2005 mới đi vào đào tạo, đến năm 2010 mới có tiến sĩ đầu tiên. Sau đó, cộng thêm ít nhất 3 năm nữa, tức năm 2013 chúng ta mới có những phó giáo sư đầu tiên đúng chuyên ngành”.

Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao? -0
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, câu chuyện đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật vốn dĩ gặp rất nhiều khó khăn, đến từ lịch sử của đào tạo tiến sĩ

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra thực tế này dẫn đến việc chúng ta rất thiếu thầy. “Đó là lý do các trường như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội muốn có Hội đồng có 7 thầy chuyên môn phù hợp, chứ chưa nói đúng chuyên môn liên quan đến sân khấu điện ảnh, là chịu. Cho nên nhiều khi cũng phải độn người này người kia vào. Chưa kể, theo quy định mới, trên 65 tuổi không được coi là cơ hữu ở trường thì càng thiếu, vì đa phần các thầy được đào tạo từ những năm 1980 trở về trước, bây giờ họ đã 70 tuổi hết rồi. Nếu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải 5/7 người trong Hội đồng đó là giáo sư, phó giáo sư thì lại càng khó khả thi đối với cơ sở đào tạo như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thậm chí nếu muốn có đầy đủ thầy cô có học vị tiến sĩ làm trưởng các khoa theo yêu cầu cũng không đủ cho trường. Phải nhìn tổng thể từ những lý do lịch sử như thế để có sự thông cảm đối với đào tạo tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật”.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Nếu cứng nhắc sẽ không thể đào tạo được

Đề xuất nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, vì sao? -0
GS. TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam  - Nguồn: quochoi.vn

Nhìn lại khoảng 30 năm đào tạo tiến sĩ, những ngày đầu Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng khó khăn, chưa quy chuẩn từ đội ngũ thầy cô, giáo trình, giáo án. Đến nay, Viện cũng cố gắng hoàn thiện theo các thông tư quy định, hướng dẫn, và ngay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dần hoàn thiện các yêu cầu, cấp độ ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, thực tiễn ngày càng khó khăn hơn khi đòi hỏi đầu vào của nghiên cứu sinh cao hơn về năng lực ngoại ngữ, bài viết liên quan đúng đề tài, kinh nghiệm nghiên cứu…

Về phía đội ngũ giảng viên cũng đòi hỏi rất cao khi phải có công bố quốc tế liên quan, bài viết liên quan đến đề tài của nghiên cứu sinh, rồi phải có học hàm phó giáo sư, giáo sư theo quy định, phải đủ số lượng ngũ giảng viên cơ hữu mới được đào tạo tiến sĩ, nếu không thậm chí còn phải rút bớt mã ngành đào tạo không có người liên quan. Điều đó càng khó khăn khi lứa giảng viên gạo cội của Viện là một loạt phó giáo sư, giáo sư đã nghỉ hưu.

Hiện tại, lớp trẻ cũng đang phấn đấu nhưng càng ngày tiêu chí học hàm phó giáo sư, giáo sư càng khó, nhất là để có công bố quốc tế đối với mảng khoa học xã hội và nhân văn cực kỳ khó. Cho nên, chức danh phó giáo sư, giáo sư ở Viện đang giảm dần. Viện cũng đang cố gắng mời giảng viên thỉnh giảng, rồi kết hợp ký giảng viên kiêm nhiệm… nhưng về cơ bản đó là cố gắng để khắc phục cái trước mắt.

Cho nên, chắc chắn đối với lĩnh vực nghệ thuật là phải có đặc thù. Bởi vì nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thậm chí nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, quan trọng ở chuyên môn nghề nghiệp chứ không ở nghiên cứu khoa học. Thực tế, trong danh hiệu xét chức danh phó giáo sư, giáo sư đã có tính đến đặc thù. Tức là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú có giải thưởng sẽ quy đổi ra thay cho tác phẩm nghiên cứu chẳng hạn, cái đó đã cập nhật. Tuy nhiên, một số trường không thể bảo đảm số lượng tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư… nên khối ngành nghệ thuật chắc chắn phải có đặc cách, thông qua quy đổi có thể là một cách. Nếu cứng nhắc thì sẽ không thể đào tạo được, mà ở đây không phải chỉ đào tạo nhà nghiên cứu mà đào tạo cả những người thấu hiểu về nghề nghiệp.

Tôi cho rằng, về lâu về dài, cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao tiêu chuẩn đào tạo trình độ tiến sĩ, tuy nhiên trong giai đoạn quá độ như thế này, nếu không xét tính đặc thù thậm chí còn gây hẫng hụt cả một thế hệ khi không có người đào tạo. Việt Nam từng có giai đoạn hẫng hụt khi các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, không đưa người đi đào tạo nước ngoài, về sau phải đào tạo cấp tốc. Cho nên bây giờ nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học rất khủng hoảng. Thậm chí cứ theo tình hình như thế này, nếu không khuyến khích thì ngay đầu vào ngành nghệ thuật cũng không có người theo học chứ đừng nói là nghiên cứu sinh. Điều đó kéo theo nguy cơ nguồn nhân lực càng ngày càng đi xuống.

Mặt khác, bên cạnh tháo gỡ căn cơ cho cơ sở đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật, cũng có thể đưa ra những giải pháp trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ, hướng dẫn nghiên cứu sinh có thể một người có học hàm, học vị, đồng hướng dẫn là một nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thì sẽ đi được bằng hai chân, vừa bảo đảm tính khoa học, vừa bảo đảm tính nghề nghiệp. 

Lê Thư
#