Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang có ba điểm thuận lợi để thực hiện các hạng mục trong Dự án do World Bank tài trợ là nhờ đã giải phóng xong mặt bằng cho khu vực, các hạ tầng đi kèm xung quanh cũng đã được hoàn thiện, các quy chế đấu thầu của Việt Nam đang rất minh bạch, nâng cao khả năng lựa chọn nhà thầu chất lượng cho các công trình.
Ông Lê Quân cũng nhấn mạnh tính thiết thực của Dự án này khi mà ĐHQGHN đã đẩy nhanh tiến độ chuyển trụ sở cơ quan và đưa sinh viên tới học tập tại Hòa Lạc trước dự kiến 5 năm. ĐHQGHN đã chuyển hướng từ việc xây dựng các công trình cho từng đơn vị cụ thể sang xây dựng để sử dụng vào các mục đích chung, cấp thiết nhất của tất cả các đơn vị có nhu cầu.
Dự án của World Bank tài trợ sẽ góp sức rất lớn vào các chỉ số phát triển của ĐHQGHN từ nay đến năm 2030, khi mà ĐHQGHN hướng đến gia tăng công bố quốc tế và gia tăng các sáng chế, tăng doanh thu từ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, tăng chỉ số quan hệ với doanh nghiệp, để phục vụ quá trình chuyển đổi từ một cơ sở giáo dục mang tính học thuật thuần túy sang một Trung tâm đại học đổi mới sáng tạo.
Bà Stefanie Stallmeister Giám đốc quản lý các hoạt động của Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam bày tỏ hy vọng sự cộng hưởng của WB và Dự án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam (PHER) do USAID tài trợ sẽ đem lại những sự phát triển tích cực cho ĐHQGHN nói riêng và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.
Trước đó, vào ngày 30/6/2020, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tài chính trị giá tổng cộng 422 triệu USD để nâng cao chất lượng của ba cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và hỗ trợ thành phố Vĩnh Long tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự án phát triển đại học Việt Nam được hỗ trợ khoản tín dụng trị giá 295 triệu USD, sẽ góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.
Thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị tiên tiến và chuyển giao tri thức, dự án sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ba trường đại học này thành các cơ sở giáo dục có khả năng cạnh tranh ở cấp khu vực với năng lực giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến.
Dự án Phát triển Đại học Việt Nam được thực hiện tại ba cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam sẽ góp phần giải quyết một số thách thức chính mà hệ thống giáo dục đại học hiện đang phải đối mặt.
Thông qua khoản tài trợ mới, cơ sở vật chất của các đại học sẽ được nâng cấp thành hạ tầng hiện đại, tích hợp, xanh và sẵn sàng cho chuyển đổi kỹ thuật số. Dự án cũng đồng thời góp phần tăng cường thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật số mới, đảm bảo phù hợp với các mục tiêu quốc gia được xác định trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và Chiến lược Phát triển Giáo dục Đại học cho 10 năm sắp tới.
Khoản tín dụng này được cung cấp bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).
Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng kinh phí là 125,18 triệu USD. Trong đó vốn từ Ngân hàng Thế giới là 100,87 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 24,31 triệu USD.
Với khoản tín dụng này ĐHQGHN sẽ đầu tư xây dựng tại ba khu vực với tổng diện tích đất là 37,5 ha trong tổng số 1.000 ha của khuôn viên: Xây dựng 18 tòa nhà từ một đến tám tầng với các lớp học, văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu vực trung tâm thể thao và thí nghiệm để giảng dạy, học tập và nghiên cứu; Xây dựng hai trạm xử lý nước thải, sân và đường nội bộ, hệ thống thoát nước.
Khuôn viên của ĐHQGHN tại Hòa Lạc nằm ở huyện Thạch Thất, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30km từ đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và QL 21, đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình.
Trước đó, Quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/3/2013.