Dạy học tích hợp: Học sinh, giáo viên được hưởng lợi gì?

- Thứ Bảy, 02/09/2023, 06:30 - Chia sẻ

Việc dạy tích hợp giúp học sinh hiểu rõ ngữ cảnh học tập, từ đó tăng sự tương tác cảm xúc trong việc học và với thế giới xung quanh. Các thầy cô từ vai trò đơn thuần là người cung cấp kiến thức đã trở thành người điều phối, hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh.

Giáo viên trở thành người điều phối, hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh

Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đồng sáng lập và Giám đốc điều hành học viện G.A.P cho biết, hiện nay, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy một số lợi ích nhất định của việc dạy tích hợp.

Theo đó, đối với học sinh, việc dạy tích hợp giúp các em hiểu rõ ngữ cảnh học tập. Từ đó, tăng sự tương tác cảm xúc của học sinh trong việc học và với thế giới xung quanh.

Dạy học tích hợp: Học sinh, giáo viên được hưởng lợi gì? -0
Giáo viên THCS thực hiện dạy học môn tích hợp (Ảnh: Báo Chính phủ)

Chuyên gia Lê Đình Hiếu phân tích, khi dạy học sinh, mục tiêu quan trọng nhất của giáo viên là làm sao để tăng cường được sự hiểu biết, tương tác và trí thông minh, cảm xúc, sự sẵn sàng của các em trong thế giới xung quanh. Với dạy học tích hợp, bằng việc chúng ta không dạy đơn môn, không dạy từng môn riêng lẻ mà dạy thông qua một vấn đề cuộc sống, sử dụng công cụ từ nhiều môn học khác nhau sẽ giúp học sinh tăng được khả năng hiểu bối cảnh thực tiễn.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc dạy học tích hợp sẽ làm tăng được những kỹ năng tư duy cao cấp cho học sinh như tư duy phản biện, tư duy logic về mặt khoa học, tư duy giải quyết vấn đề,….

Đồng thời, dạy học tích hợp đã được chứng minh giúp kích thích trí tò mò của học sinh; tăng cường nhận thức của các em về vấn đề xã hội và sự trân trọng trong việc học; tăng cường kỹ năng làm việc hợp tác từ các lĩnh vực khác nhau; làm sâu sắc hiểu biết của học sinh về chủ đề từ các góc nhìn khác nhau.

Dạy học tích hợp: Học sinh, giáo viên được hưởng lợi gì? -0
Lợi ích của việc dạy học tích hợp đối với học sinh, tổng hợp từ một số nghiên cứu trên thế giới

Đối với người giáo viên, theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, trước đây khi dạy đơn môn hoặc trong các lối giáo dục truyền thống, thầy cô trong vai trò là người cung cấp kiến thức nhiều hơn.

Tuy nhiên khi chuyển sang dạy tích hợp, giáo viên lại trở thành người điều phối và hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh. Có nghĩa thay vì cung cấp thông tin bằng cách đưa ra câu trả lời cho các em, thầy cô cần đặt nhiều câu hỏi hơn để điều phối quá trình tìm hiểu thông tin của học sinh.

Ông Hiếu nhấn mạnh, ngày nay, học sinh có thể tiếp cận tri thức rất tốt nếu như các em được dẫn dắt bởi những câu hỏi tốt từ các thầy cô.

Tuy nhiên, không phải nói như vậy có nghĩa “thầy cô không cần giảng dạy gì”. Thầy cô vẫn phải đảm bảo được các khái niệm quan trọng. Cụ thể, giáo viên cần xác định trong dự án dạy học tích hợp này, đâu là những khái niệm căn bản, quan trọng nhất được áp dụng từ các môn học; đảm bảo những khái niệm này được dạy và làm rõ nhất cho học sinh. Sau đó, thầy cô sẽ dùng câu hỏi dẫn dắt, đặt vấn đề, điều phối và hỗ trợ quá trình học sinh khám phá kiến thức.

Ngoài ra, một lợi ích quan trọng khác của dạy học tích hợp đối với người giáo viên là họ được làm việc và học tập, hợp tác với các chuyên gia cũng như đồng nghiệp.

Các chuyên gia ở đây có thể không phải là người làm giáo dục chuyên nghiệp, được đào tạo từ trường lớp sư phạm, nhưng họ là những chuyên gia trong từng lĩnh vực khác nhau. Sự tham gia của họ sẽ giúp phát triển các dự án dạy học tích hợp và đóng góp những góc nhìn từ xã hội, thực tiễn.

Dạy học tích hợp: Học sinh, giáo viên được hưởng lợi gì? -0
Một số lợi ích của dạy tích hợp đối với giáo viên, thể hiện trong các nghiên cứu trên thế giới

Cần chính sách toàn diện về hệ thống dạy học và đánh giá 

Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu đưa ra một vài bài học thực tiễn, lời khuyên từ các quốc gia phát triển, đã triển khai dạy học tích hợp rất thường xuyên.

Theo đó, cần chính sách toàn diện về hệ thống dạy học và đánh giá cho việc học tích hợp. Ông Hiếu phân tích, công sức các thầy cô phải bỏ ra để chuẩn bị cho việc dạy tích hợp là rất lớn, rất nhiều khó khăn, vất vả. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có những chính sách đủ tốt để thúc đẩy việc dạy học tích hợp, làm cho các thầy cô cảm thấy công sức mình bỏ ra là phù hợp hay không? Đồng thời, liệu chúng ta đã có những cách đánh giá đúng về việc dạy học tích hợp?

“Thầy cô dạy tích hợp, nhưng nếu thi cử, đánh giá vẫn dựa trên đơn môn thì thật ra việc dạy học tích hợp rất khó cho các thầy cô”, chuyên gia Lê Đình Hiếu nói.

Dạy học tích hợp: Học sinh, giáo viên được hưởng lợi gì? -0
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đồng sáng lập và Giám đốc điều hành học viện G.A.P

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai dạy học tích hợp cho thấy, các trường cần chuẩn bị tài liệu, thiết bị, công cụ, phương tiện để học sinh thực hiện các dự án học tích hợp; chuẩn bị các cài đặt cho việc tích hợp các mô-đun/đơn vị/chủ đề vào chương trình học hợp tác với các lĩnh vực xã hội khác (công viên, bảo tàng, thư viện, doanh nghiệp…).

“Điều rất quan trọng là liệu trường học có thể trở thành một mắt xích của một hệ sinh thái giáo dục lớn hay không? Tức là chúng ta không phải chỉ dạy học trong đúng bối cảnh của nhà trường, mà có thể kết hợp với các lĩnh vực xã hội khác (với các đơn vị thư viện, bảo tàng, công viên, doanh nghiệp,…) để đưa dạy học tích hợp vào hay không?”, ông Hiếu cho hay.

Những giáo viên dạy học tích hợp tốt là giáo viên có năng lực về hợp tác

Đối với giáo viên, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển chỉ ra rằng, cần một khoá đào tạo giáo dục toàn diện cho giáo viên tương lai về việc dạy học theo chương trình tích hợp.

Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa nhà nghiên cứu giáo dục, chuyên gia về các chủ đề và giáo viên trường học để làm việc trên các dự án hoặc chủ đề.

“Người ta thấy rằng những giáo viên dạy học tích hợp tốt là giáo viên có năng lực về hợp tác, tức là họ biết phối hợp không chỉ giữa các giáo viên với nhau mà còn có thể phối hợp với các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đối tác cộng đồng để xây dựng lên những dự án dạy học tích hợp đủ thú vị cho học sinh”, chuyên gia Lê Đình Hiếu thông tin.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao sự tự tin và lòng yêu nghề của giáo viên, cũng như việc giáo viên cần cung cấp phản hồi cho học sinh ở mỗi giai đoạn của dự án học tập: “Khi dạy học tích hợp, đặc biệt là dạy thông qua tổ chức các dự án thì một trong những năng lực quan trọng của giáo viên là phải liên tục cung cấp phản hồi cho học sinh ở mỗi giai đoạn của dự án, mỗi bước học sinh đi qua. Đây là điều thực sự thử thách với các thầy cô, bởi sẽ mất rất nhiều công sức và sự chuẩn bị”.

Ngoài những sự chuẩn bị nói trên, lời khuyên khác từ các quốc gia đã triển khai là sau khi dạy một chủ đề tích hợp, giáo viên cần hỏi bản thân những câu hỏi như Bạn muốn học sinh có khả năng làm gì? Bạn muốn học sinh hiểu gì? Học sinh đã sử dụng nguồn tài liệu gì? Đồng thời, cần sự phối hợp trong việc hợp tác về nội dung giữa các môn học và giáo viên chủ nhiệm.

Chuyên gia Lê Đình Hiếu chia sẻ, khi dạy học tích hợp, giáo viên cần thay đổi tư duy, cách thức đặt câu hỏi. Thay vì đặt câu hỏi rằng “kiến thức nào trong môn Toán mà tôi muốn học sinh biết?”, cần đặt câu hỏi: “vấn đề nào trong cuộc sống mà chúng ta cần sử dụng kiến thức môn Toán để giải quyết?”. Đây mới là cách đặt câu hỏi để từ đó xây dựng lên những dự án dạy học tích hợp.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia này cho hay, nếu đặt câu hỏi “kiến thức nào trong môn Toán mà tôi muốn học sinh biết?”, lúc đó thầy cô sẽ bắt đầu đẩy suy nghĩ về hướng dạy đơn môn; bắt đầu suy nghĩ về môn Toán, tìm những công thức, kiến thức, định lý quan trọng nhất của môn Toán để dạy cho học sinh.

Nếu đặt câu hỏi đúng “vấn đề nào trong cuộc sống mà chúng ta cần sử dụng kiến thức môn Toán để giải quyết?”, giáo viên sẽ có góc nhìn khác và thấy được rằng, vấn đề thực tiễn này của cuộc sống không chỉ cần môn Toán, mà cần thêm cả kiến thức về lĩnh vực khác như Lịch sử, Hoá học,… mới có thể giải quyết.

Đối với học sinh, theo ông Hiếu, bài học thực tiễn từ các quốc gia đã triển khai dạy học tích hợp cho thấy, đối với mỗi chủ đề, học sinh cần được thông báo về mục tiêu học tập và hướng dẫn cho kế hoạch học tập (ví dụ, câu hỏi hướng dẫn).

Học sinh cũng cần được dạy các khái niệm chính, kỹ năng cơ bản trong các chủ đề; biết các chiến lược học tập (ví dụ, sử dụng sơ đồ khái niệm, kiến thức về thông tin).

“Việc học tích hợp không còn đơn giản là chỉ cầm đề cương và cầm sách giáo khoa của từng môn để học, mà các em phải bắt đầu sử dụng sơ đồ tư duy, phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tổng hợp thông tin. Đây là một loạt kỹ năng mềm mà học sinh cần được phát triển để học tích hợp tốt hơn”, ông Hiếu nói.

Nguyễn Liên
#