Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, Đà Nẵng

Đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:13 - Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều giải pháp chống dịch linh hoạt và hiệu quả đã được TP Đà Nẵng quyết liệt triển khai, trong đó có việc xây dựng, bảo đảm cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sớm đi vào vận hành (dự kiến ngày 14.8).

Từ hành động quyết liệt của ngành y tế

Với mục tiêu giúp giảm quá tải cho Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đáp ứng cấp độ 4 dịch Covid-19, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn đã được gấp rút thi công. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul trong 72 giờ, vừa được đơn vị thi công bàn giao cho UBND thành phố Đà Nẵng quản lý. 

Khởi công xây dựng trong khuôn viên hơn 10.000m2 của Cung thể thao Tiên Sơn, bệnh viện được đề xuất thành lập với quy mô 500 giường bệnh, chia thành 2 giai đoạn thu dung điều trị. Giai đoạn 1 triển khai 300 giường điều trị bệnh nhân Covid-19; giai đoạn 2 triển khai 200 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tiến độ bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.
Nguồn: Bộ Y tế

Về mặt chuyên môn, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã huy động 200 cán bộ y tế, 200 sinh viên đã được tập huấn về việc chăm sóc, đón tiếp bệnh nhân, thực hiện xét nghiệm tại chỗ. Đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên được chia thành 3 ca 4 kíp, trong đó nhân viên y tế sẽ nghỉ ngơi ở khu riêng biệt, bảo đảm không ảnh hưởng đến các kíp trực khác. Để làm quen với tổ chức, sơ đồ, kiểm soát nhiễm khuẩn, các đơn vị cũng đã được diễn tập tình huống và sẽ thực hiện liên tục cho đến khi Bệnh viện chính thức hoạt động.

Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai TS. Đỗ Ngọc Sơn được Bộ Y tế cử làm phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cho biết, bước đầu bệnh viện sẽ điều trị ở mức cơ bản, có 1 phác đồ điều trị cơ bản để các bác sĩ có thể cùng sử dụng. Trong phương án điều trị của bệnh viện luôn sẵn sàng cho phương án xấu như bệnh nhân bất ngờ có diễn biến nặng.

Lắp đặt bên trong bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.
Nguồn: Bộ Y tế

Theo đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng, do đặc thù điều trị bệnh truyền nhiễm nên tại Bệnh viện dã chiến sẽ hạn chế sử dụng giấy trong quá trình hoạt động, gần như các hoạt động của bệnh viện đều được điều hành qua hệ thống vi tính. Trong đó, các thông tin về xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân đều kết nối với bệnh án qua hệ thống xử lý thông tin.

Tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và góp ý về các quy trình chuẩn bị của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chất lượng công trình xây dựng và những trang thiết bị của bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn đạt được những tiêu chí mà Bộ Y tế đã ban hành.

Tới sự chung sức của doanh nghiệp

Góp phần vào việc xây dựng bệnh viện, không thể không kể tới sự vào cuộc, nỗ lực chung tay của các doanh nghiệp. Trong đó, Sun Group là đơn vị thi công bệnh viện dã chiến, nhiều doanh nghiệp khác hỗ trợ những trang thiết bị, lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin nhằm bảo đảm chất lượng mạng lưới và dịch vụ tại bệnh viện.

Nguồn: Bộ Y tế

Theo chia sẻ của một kỹ sư Ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến (thuộc Sun Group), cam kết của lãnh đạo Sun Group với thành phố là trong vòng tối đa 6 ngày, bệnh viện sẽ được thi công xong. Tuy nhiên, đơn vị thi công cũng đặt ra mục tiêu rút ngắn thời gian xuống còn 4 ngày. Kết quả là sau gần 4 ngày, bệnh viện cũng được thi công xong, vừa bảo đảm chất lượng đạt chuẩn, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian.

Được biết, hệ thống thông gió của bệnh viện đã được đơn vị làm lại theo yêu cầu của các chuyên gia y tế, bảo đảm gió được lọc sạch sẽ, trước khi được hút và xả ra môi trường, không lây lan virus ra ngoài cộng đồng. Hệ thống xử lý rác thải của phòng xét nghiệm được trang bị riêng để thu gom, xử lý bằng chlorine nén, tia UV giúp sát khuẩn hiệu quả. 

Để góp phần bảo đảm chất lượng mạng lưới và dịch vụ tại bệnh viện, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel đã lắp đặt, phát sóng trạm BTS 4G mới phủ cả bên trong và ngoài bệnh viện; dung lượng đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn bộ y, bác sĩ, bệnh nhân, người nhà cũng như quá trình tổ chức, điều hành phòng, chống dịch Covid-19. 

Viettel cũng triển khai cầu truyền hình cho bệnh viện dã chiến ở Cung Thể thao Tiên Sơn và huyện Hòa Vang. Trước đó, các điểm cầu truyền hình của Viettel cũng đã được bố trí tại Sở Y tế, Bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng để hỗ trợ công tác họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và hội chẩn từ xa cho các bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây. Đại diện Viettel cho biết, nhân sự kỹ thuật của Viettel luôn trực 24/7 để giám sát và bảo đảm chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân giữa bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Sẵn sàng vận hành phương án cấp điện khi bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cũng cho biết, đơn vị thực hiện phương án bảo đảm cấp điện dự phòng 3 cấp. Cụ thể, cấp điện cho bệnh viện dã chiến Tiên Sơn từ xuất tuyến 475/Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) và 477/Liên Trì (quận Hải Châu), nếu có sự cố về điện sẽ nhanh chóng chuyển đổi qua lại giữa 2 xuất tuyến trên. Trong trường hợp mất điện lưới cả 2 xuất tuyến, PC Đà Nẵng vận hành máy phát điện tại chỗ có công suất 800kVA. PC Đà Nẵng cũng dự phòng thêm máy phát điện dự phòng công suất 500kVA phục vụ cấp điện bệnh viện dã chiến này.

Đánh giá cao công tác xã hội hóa trong xây dựng bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng, xã hội, chính quyền các địa phương, không chỉ là thành phố Đà Nẵng mà còn các địa phương khác trên cả nước, để có thể có nhiều bộ công cụ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Minh Nhật