Chàng trai người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới HBO

- Thứ Sáu, 14/06/2024, 08:02 - Chia sẻ

“Không phải ai cũng dễ dàng thành công tại thị trường Mỹ bằng cách làm việc chỉ đúng 40 tiếng một tuần, làm công ăn lương rồi về nhà nghỉ ngơi cho tới ngày làm việc tiếp theo. Ngành video marketing đòi hỏi rất nhiều sản phẩm được sản xuất và tung ra trong thời gian ngắn. Để đuổi kịp nhu cầu của thị trường và tạo nên những sản phẩm đột phá nhất, tôi sẵn sàng làm việc quá giờ và đối mặt với những khoảnh khắc “cô đơn”, Nguyễn Siêu nói.

Mùa hè năm 2018, video quảng bá cho phần 5 của series dài tập “Younger” do Nguyễn Siêu sản xuất được chiếu liên tiếp trên một màn hình billboard khổng lồ tại Quảng trường Thời Đại, Mỹ. Năm ấy, Siêu 23 tuổi.

Khoảnh khắc nhìn sản phẩm của mình được chiếu tại một trong những tụ điểm nổi tiếng nhất thành phố New York, có trung bình 360.000 người đi qua mỗi ngày, Siêu nhận ra, mình thực sự mong muốn theo đuổi ngành nghề này...

Nguyễn Siêu (sinh năm 1995) đang là nhà sản xuất video thuộc mảng marketing tại hãng phim truyền hình HBO - hãng truyền thông nổi tiếng của Mỹ.

Siêu sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng theo học tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm 2013, Nguyễn Siêu gây ấn tượng khi trúng tuyển 7 trường đại học danh giá của Mỹ. Năm 2015, anh là 1 trong 200 đại biểu quốc tế tại Hội nghị New York về Á Đông Học. Nguyễn Siêu tốt nghiệp bằng cử nhân Điện ảnh và Truyền thông loại xuất sắc tại Đại học Vassar, Mỹ với điểm GPA 3.9/4.0.

Năm 2017, ở tuổi 22, Siêu được nhận vào làm tại Paramount Network - tập đoàn truyền thông lớn nhất nhì Hollywood. Sau hơn 4 năm gắn bó với Paramount Network, Siêu chuyển sang làm việc tại hãng phim truyền hình HBO.

Trong vai trò Writer/Producer, Nguyễn Siêu phụ trách sản xuất những video quảng bá dành cho các show truyền hình và phim tài liệu trên kênh HBO và trang xem phim trực tuyến Max. Những video này bao gồm teaser, trailer, video quảng cáo tập tiếp nối (gọi là “episodics”), video hậu trường (gọi là “behind-the-scenes featurettes”), cũng như những sản phẩm được thiết kế riêng cho mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok.

Gần 3 năm tại HBO, Siêu đã làm nhiều dự án lớn như “Euphoria,” “The Idol,” “Selena + Chef,” “Hacks,” “The Flight Attendant,” “Perry Mason,” “The Girls on the Bus, “Bookie,” “The Insurrectionist Next Door,” “Murder in Boston.” “George Carlin’s American Dream” và “Gaga Chromatica Ball.” Những video Siêu sản xuất góp phần không nhỏ vào sự đón nhận của đại chúng đối với những series trên.

Vào năm 2022, những sản phẩm của Siêu trong chiến dịch marketing cho “Euphoria” đã giúp dự án này trở thành series có nhiều người xem thứ nhì mọi thời đại của HBO trong thời điểm phần 2 ra mắt, với 16,3 triệu khán giả trung bình cho một tập phim.

Chàng trai 29 tuổi người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới -0
Nguyễn Siêu - nhà sản xuất video thuộc mảng marketing tại hãng phim truyền hình HBO

Tình yêu dành cho “ngành công nghiệp của những câu chuyện” và cơ duyên đến với hãng phim HBO

- Tốt nghiệp cử nhân Điện ảnh và Truyền thông loại xuất sắc tại Đại học Vassar, anh có rất nhiều hướng đi có thể lựa chọn. Vì sao anh quyết định theo đuổi ngành video marketing?

Nguyễn Siêu: Tôi vốn yêu thích ngành truyền thông, truyền hình vì đây là ngành công nghiệp của những câu chuyện. Phim ảnh, video hay báo chí đều hướng tới việc kể chuyện chạm tới cảm xúc của người khác - một điều tưởng chừng giản đơn nhưng có khả năng chữa lành và kết nối nhiều người với nhau.

Tôi luôn cảm thấy ấm lòng khi những sản phẩm video marketing của mình có thể chạm tới khán giả từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hoá, góp phần xoá đi rào cản màu da, ngôn ngữ trong một thế giới ngày càng “phẳng” hơn.

Công việc đầu tiên của tôi trong ngành truyền thông, truyền hình là làm Production Associate (sản xuất) cho kênh truyền hình Paramount. Ở công việc này, tôi sản xuất và dàn dựng rất nhiều video quảng bá cho các series dài tập như “Younger,” “Yellowstone,” “Nobodies,” “Battle of the Fittest Couples,” “Wife Swap,”...

Mùa hè năm 2018, tôi sản xuất một video quảng bá cho phần 5 của “Younger,” cắt dựng những thước phim đẹp nhất của những ngôi sao như Hilary Duff, Sutton Foster và Nico Tortorella, làm nên một sản phẩm sôi động, đậm chất mùa hè.  Video này được chiếu liên tiếp trên một màn hình billboard khổng lồ tại Quảng trường Thời Đại. Đây là một trong những tụ điểm nổi tiếng nhất ở thành phố New York, có trung bình 360.000 người đi qua mỗi ngày.

Khi nhìn thấy video của mình được trình chiếu tại đây và có rất nhiều người xem, tôi cảm thấy những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng. Tôi nhận ra với ngành nghề này, mình có thể làm nên những sản phẩm sáng tạo vừa thể hiện tính cá nhân của mình, lại có độ phổ cập cao và chạm tới nhiều khán giả. Khoảnh khắc đặc biệt ấy khiến tôi quyết tâm theo đuổi ngành này tới cùng.

- Cơ duyên nào khiến anh đến với HBO?

Nguyễn Siêu: Năm 2020, khi đang làm việc tại Paramount, tôi nhận được tin nhắn từ một nhà tuyển dụng của HBO trên LinkedIn. Họ bảo rằng rất ấn tượng về các sản phẩm marketing video trên website của tôi và ngỏ ý mời tôi phỏng vấn cho một vị trí tại HBO. Qua buổi phỏng vấn, tôi nhận ra một điều khác biệt cơ bản giữa cách vận hành của Paramount và HBO.

Tại Paramount, mỗi nhà sản xuất đa phần sẽ tập trung vào một công việc đặc hiệu: nếu bạn viết kịch bản thì bạn sẽ không dựng video; ngược lại nếu bạn dựng video thì người khác sẽ viết kịch bản cho bạn. Ở HBO, một nhà sản xuất phải nắm vững và thực hành mọi kỹ năng từ A tới Z: viết kịch bản, lựa chọn cảnh, chọn âm nhạc, dựng video, cũng như thường xuyên phải làm việc với các luật sư để đảm bảo tính pháp lý của video. Bạn phải giỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Tôi luôn nghĩ mình là một nhà sản xuất đa năng, nên khi nhận được lời đề nghị một công việc mà mình có thể phát huy mọi kỹ năng sẵn có, tôi ngay lập tức đồng ý.

Tôi bắt đầu làm việc tại HBO vào cuối năm 2021. Thường khi bắt đầu một công việc mới, một, hai tuần đầu tiên sẽ không quá căng thẳng, chủ yếu là làm quen với mọi người và với công việc, nhưng tại HBO, tôi đã bắt đầu chạy dự án từ ngày đầu tiên.

Ngay trong buổi họp mặt với team mới, tôi được giao một video quảng bá cho phần 2 của series “Euphoria”. Nhận thấy đây là cơ hội lớn để chứng minh năng lực của mình, tôi dựng một video dạng dọc dành riêng cho nền tảng Instagram, vừa gay cấn, vừa có nhịp điệu, vừa đáp ứng tính thẩm mỹ cao mà HBO yêu cầu.

Khi trình chiếu cho các nhà sản xuất cấp cao, họ rất yêu thích video này và ngay lập tức post lên trang Instagram chính thức của “Euphoria” để quảng bá cho buổi ra mắt chương trình. Việc chứng minh được năng lực của mình từ những ngày đầu tiên đã giúp tôi có được nhiều dự án khác sau đó.

Chàng trai 29 tuổi người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới -0
Nguyễn Siêu cùng các đồng nghiệp

Từ chối tuân theo những công thức có sẵn để sản xuất video mang tính khác biệt

- Có cơ hội được làm việc tại những tập đoàn truyền thông lớn ở quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ không phải là điều dễ dàng, “trụ lại” và có được chỗ đứng có lẽ lại càng khó khăn hơn. Anh nghĩ rằng điều gì đã giúp anh khẳng định được vị trí của mình?

Nguyễn Siêu: Tôi nghĩ yếu tố giúp mình khẳng định chỗ đứng trong ngành truyền thông tại Mỹ là khả năng thể nghiệm những ý tưởng mới, không đóng khung trong những công thức sẵn có. Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ về nội dung video: có rất, rất nhiều video được sản xuất và tung ra mỗi ngày, từ những kênh xem phim trực tuyến cho tới mạng xã hội Instagram, YouTube, TikTok. Để video của mình nổi bật, nó phải có sự khác biệt và mới lạ.

Tôi không bao giờ muốn rập khuôn những ý tưởng đã được làm rồi cho video của mình chỉ vì nó đã từng thành công. Một khi khán giả nhận thấy video này có vẻ quen quen, không đột phá, họ sẽ cảm thấy chán và nhấn “Next” để xem video tiếp theo.

Để ví dụ, chỉ vài tuần trước, tôi sản xuất và dàn dựng video hậu trường mang tên “Story Behind the Story” cho series “The Girls on the Bus” của kênh xem phim trực tuyến Max (nơi trình chiếu các sản phẩm của HBO). Đây là một series dài tập được lấy cảm hứng từ cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của bà Hillary Clinton. Có rất nhiều cách để cắt dựng một video hậu trường, mà cách đơn giản, dễ làm nhất là xen kẽ phần phỏng vấn của nhà sản xuất với các clip minh hoạ được cắt thẳng ra từ series. Rất nhiều video hậu trường cho các series khác cũng làm như vậy.

Tuy nhiên, vì chủ đề chính trường Mỹ thực sự rất thú vị và đa diện, tôi muốn video của mình khai thác sâu hơn vào khía cạnh này. Tôi cộng tác với nhà báo Amy Chozick của tờ New York Times (cũng là nhà sản xuất series) để tìm những câu chuyện và những bức ảnh của bà Hillary Clinton từ năm 2015, 2016, nhằm làm rõ những sự kiện đời thật được phản ánh trong tác phẩm.

Tôi cũng nghiên cứu về nhà báo David Carr, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng không nhỏ tới kịch bản của “The Girls on the Bus”, để so sánh những câu nói nổi tiếng của ông với lời thoại nhân vật trong phim. Những thông tin này cần nhiều ngày nghiên cứu mới có thể tìm ra được, vì vậy quá trình sản xuất video này của tôi kéo dài hơn một tháng.

Tôi dựng video bằng cách kết nối phần phỏng vấn của nhà báo Amy Chozick, điểm xuyết với những bức ảnh của bà Hillary Clinton và ông Barack Obama, những câu nói của nhà báo David Carr và những video được quay từ hậu trường, để khắc hoạ quá trình xây dựng series vô cùng kỳ công.

Video của tôi khác biệt hoàn toàn với những video hậu trường đơn giản và mang tính công thức, vì giống cấu trúc của một bài văn nghị luận xã hội, nó có dẫn chứng cụ thể, có ví dụ minh hoạ, có tính phân tích thay vì chỉ kể chuyện đơn thuần.

Nhà sản xuất sau khi xem xong video nói rằng bà đã khóc rất nhiều vì sản phẩm này sát thực tế, khiến bà cảm động. Khi nghe được những nhận xét ấy, tôi cảm thấy rất tự hào. Giám đốc sáng tạo của tôi sau đó chiếu video này cho toàn bộ team và mọi người cũng vỗ tay rất nhiều.

Tôi tin việc luôn thể nghiệm những ý tưởng mới, từ chối tuân theo những công thức có sẵn để sản xuất video mang tính khác biệt đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của sản phẩm.

Chàng trai 29 tuổi người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới -0
"Tôi tin việc luôn thể nghiệm những ý tưởng mới, từ chối tuân theo những công thức có sẵn để sản xuất video mang tính khác biệt đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của sản phẩm", Nguyễn Siêu nói

- Được biết, anh đã làm việc trong dự án “Selena + Chef” của nữ ca sĩ Selena Gomez, một ngôi sao nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà còn ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án này không?

Nguyễn Siêu: Trong chiến dịch quảng bá cho phần 4 của chương trình nấu ăn “Selena + Chef,” tôi sản xuất video “Malibu House Tour,” giới thiệu căn biệt thự bãi biển của nữ ca sĩ Selena Gomez, cũng là trường quay của chương trình.

Trong video này, để phần hình ảnh được đa dạng, không chỉ tập trung vào ngôi nhà, tôi lồng ghép thêm những video hậu trường thú vị, thể hiện quá trình học nấu ăn vừa gian nan, vừa nhiều sự hài hước của Selena. Đó là những khoảnh khắc Selena làm hơi cháy một nồi caramel, hay để món cá hơi lâu trong lò nướng, khiến cả đám bạn của cô phải chạy ngay tới để “giải cứu.” Tôi cũng đưa vào video hình ảnh của các vị khách mời, ví dụ như đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay hay Rachael Ray, để khán giả có thể hiểu Selena làm việc với những nhân vật “sừng sỏ” nhất trong ngành ẩm thực.

Làm việc trực tiếp của đội ngũ của Selena, tôi được sử dụng bản hit “It Ain’t Me” của cô để làm nhạc nền cho video. Tôi dành nhiều ngày để phối nhạc, sử dụng các file riêng của tiếng trống, tiếng guitar, tiếng hát của Selena để hoà âm cho khác biệt một chút với bản nhạc gốc, khiến video của mình độc đáo hơn. Video “Malibu House Tour” được team của Selena duyệt rất nhanh, sau đó được ra mắt độc quyền trên tạp chí E! News của Mỹ.

Tới nay, video này đã có 9,6 triệu người xem trên mạng xã hội Facebook. Làm việc với một ngôi sao tài năng và chuyên nghiệp như Selena Gomez là một trải nghiệm rất đáng nhớ tại HBO.

“Tôi luôn cảm thấy áp lực phải cố gắng gấp nhiều lần so với người bản xứ”

- Năm 23 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học, anh xuất bản cuốn sách đầu tay - tản văn “Cô đơn để trưởng thành”, chia sẻ về những năm tháng đầu tiên tới Mỹ với đủ “sắc thái của sự cô đơn”, nhưng chính nhờ đó mà anh trưởng thành. 7 năm qua khi chính thức làm việc trong ngành truyền hình tại Mỹ, anh có còn cảm thấy “cô đơn”? Cái “cô đơn” này có khác với những sắc thái anh đã trải qua ở thời sinh viên?

Nguyễn Siêu: Tôi nghĩ sự “cô đơn” là điều không thể tránh khỏi trong mọi giai đoạn của cuộc sống. 7 năm làm việc trong ngành truyền hình vừa qua, sự “cô đơn” hay ập tới trong những đêm tôi phải thức khuya tới tận 5 giờ sáng để xong việc, hay những lúc tôi phải vào công ty cả những ngày cuối tuần vì nhiều dự án có deadline gấp.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2024, tôi thường xuyên phải kiêm 2-3 dự án cùng một lúc, khi thì làm video tóm tắt từng tập cho series “Hacks”, khi thì làm video hậu trường cho “The Girls on the Bus,” công việc bận rộn vô cùng. Tôi thường xuyên là người ở lại văn phòng cuối cùng khi mọi người đã về hết. Do là một người ngoại quốc, tôi luôn cảm thấy áp lực phải cố gắng gấp nhiều lần so với người bản xứ.

Sự “cô đơn” ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng để vượt qua, nhưng tôi luôn tự nói với bản thân mình, đây là một sự hy sinh xứng đáng để có được chỗ đứng trong ngành nghề này. Không phải ai cũng dễ dàng thành công tại thị trường Mỹ bằng cách làm việc chỉ đúng 40 tiếng một tuần, làm công ăn lương rồi về nhà nghỉ ngơi cho tới ngày làm việc tiếp theo.

Ngành video marketing đòi hỏi rất nhiều sản phẩm được sản xuất và tung ra trong thời gian ngắn. Để đuổi kịp nhu cầu của thị trường và tạo nên những sản phẩm đột phá nhất, tôi sẵn sàng làm việc quá giờ và đối mặt với những khoảnh khắc “cô đơn” này. Trong những lúc tĩnh lặng nhất, tôi lại có những ý tưởng hay ho và điên rồ nhất, cho nên sự “cô đơn” cũng góp phần khiến tôi trở thành một nhà sáng tạo video năng suất hơn.

- Anh từng chia sẻ rằng, trải nghiệm văn hóa của bản thân như một quả lắc, lúc thì ở nền văn hóa Việt Nam, lúc thì ở nền văn hóa Mỹ. Điều này tác động tới anh như thế nào trong công việc?

Nguyễn Siêu: Là một người Việt Nam, một người châu Á đã sống ở New York gần 11 năm, tôi ý thức được tầm quan trọng của sự đa dạng văn hoá. Giám đốc sáng tạo của tôi tại HBO luôn nói với tôi rằng ông luôn đề cao những góc nhìn mang tính cá thể và khác biệt. Vì vậy, tôi không phải cố gắng biến góc nhìn của mình thành góc nhìn của người Mỹ. Tôi luôn tiếp cận mọi video như một nhà sản xuất người Việt Nam.

Văn hoá Việt Nam thường coi trọng tính cảm xúc. Đó là lý do tôi luôn chú trọng về mặt cảm xúc trong các sản phẩm sáng tạo của mình. Trong quá trình sản xuất, tôi tự hỏi bản thân, video này đã đủ hài hước để khiến khản giả bật cười, hay đủ cảm động để họ rơi nước mắt hay chưa. Tôi sử dụng sự thấu cảm đó như một kim chỉ nam trong việc dàn dựng video. Cảm xúc thì không phân biệt biên giới quốc gia hay văn hoá, do vậy, tôi luôn tự tin các sản phẩm của mình chạm tới trái tim của khán giả không chỉ ở Mỹ, mà còn ở nhiều đất nước khác.

Cuối năm 2023, một video tôi sản xuất cho series “Perry Mason” được đề cử cho hạng mục “Video Văn Hoá Hay Nhất” trong lễ trao giải thường niên của HBO.  Đây là video phân tích về các sự kiện phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ La-tinh những năm 1950s, được dùng làm cảm hứng cho phần hai của series “Perry Mason.”

Tôi sử dụng phần phỏng vấn của nhà sử học Natalia Molina để khắc hoạ lại những diễn biến ấy trong lịch sử Mỹ và so sánh nó với mạch truyện của “Perry Mason”. Tôi lựa chọn âm nhạc, chọn cảnh quay, chọn những bức ảnh phù hợp nhất để video này thật sự chạm tới trái tim của người xem, để họ hiểu được những bất công, những bạo lực mà cộng đồng người Mỹ La-tinh đã phải trải qua trong giai đoạn này.

Câu chuyện này thật sự không khác nhiều với nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, như “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố hay “Lão Hạc” của Nam Cao, nói về sự bất công trong xã hội và đề cao tính chính nghĩa.

Việc sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, được tiếp xúc với những câu chuyện rất nhân văn này đã trang bị cho tôi sự thấu cảm, một kỹ năng quan trọng trong việc tạo nên những sản phẩm video chạm tới cảm xúc của khán giả.

Chàng trai 29 tuổi người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới -0
 Nguyễn Siêu cho rằng, việc sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, được tiếp xúc với những câu chuyện rất nhân văn đã trang bị cho anh sự thấu cảm - một kỹ năng quan trọng trong việc tạo nên những sản phẩm video chạm tới cảm xúc của khán giả

“Tôi không bao giờ “để dành” một ý tưởng hay cho một sản phẩm 

- Anh nghĩ rằng điều gì là cần thiết nhất nếu muốn theo đuổi ngành nghề này?

Nguyễn Siêu: Theo tôi, có ba thứ cần thiết nếu bạn muốn theo đuổi ngành sản xuất marketing video.

Thứ nhất, bạn cần nắm vững kỹ thuật viết kịch bản, lựa chọn hình ảnh, thiết kế âm thanh và dàn dựng video bằng phần mềm, vì đây là những yêu cầu cơ bản của công việc.

Thứ hai, bạn cần có sự thấu cảm, vì việc đặt mình vào vị trí của khán giả sẽ giúp định hướng video của bạn rõ ràng hơn. Tự hỏi bản thân chính bạn đã cảm thấy “đã” chưa khi xem video của mình. Nếu câu trả lời là chưa, bạn cần phải xây dựng mạch cảm xúc có cao trào và kịch tính hơn.

Thứ ba, bạn cần có óc sáng tạo vô biên và sự dũng cảm để thể nghiệm những ý tưởng mới.

Như tôi đã chia sẻ, một video mới mẻ, có yếu tố bất ngờ luôn khiến khán giả hào hứng hơn một video rập khuôn những công thức sẵn có. Vượt qua vòng an toàn không có nghĩa bạn sẽ thành công 100%, nhưng tuyệt đối đừng sợ thất bại.

Một ý tưởng thất bại vẫn có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều ý tưởng được đón nhận khác, còn một ý tưởng không bao giờ được thể nghiệm sẽ không giúp bạn khám phá được những chân trời mới trong khả năng và trí tưởng tượng của mình.

Chàng trai 29 tuổi người Việt kể cơ duyên làm việc tại hãng phim truyền hình hàng đầu thế giới -0
"Một video mới mẻ, có yếu tố bất ngờ luôn khiến khán giả hào hứng hơn một video rập khuôn những công thức sẵn có. Vượt qua vòng an toàn không có nghĩa bạn sẽ thành công 100%, nhưng tuyệt đối đừng sợ thất bại", Nguyễn Siêu chia sẻ

- Trong một bài chia sẻ trên trang cá nhân của mình, anh từng bày tỏ quan điểm rằng "thay vì lo lắng quá nhiều, thay vì vẽ nên một kế hoạch thật hoàn hảo từng bước, từng bước cho đường đi của mình, có lẽ chúng ta nên dành thời gian để thực sự sống, khi chúng ta vẫn còn tài sản quý giá là thời gian”. Với anh “thực sự sống” là gì?

Nguyễn Siêu: Với tôi, “thực sự sống” là lắng nghe bản thân mình ở thời điểm hiện tại và biến những ý tưởng mình đang có thành hiện thực ngay lập tức, thay vì lên quá nhiều kế hoạch và đợi chờ tới một thời điểm “hoàn hảo” hơn trong tương lai.

Nếu bạn có ý tưởng cho một cuốn sách, hãy đặt bút xuống và bắt đầu viết, kể cả những dòng chữ đầu tiên không là phải khúc chiết nhất. Nếu bạn muốn quay một bộ phim, hãy tìm bạn bè, thuê máy quay, lấy bối cảnh và quay sớm nhất có thể. Mỗi dự án sáng tạo đều mang nhiều tiềm năng nhất khi bạn vẫn đang hừng hực khí thế, chứ không phải lúc bạn cảm thấy “100%” sẵn sàng, vì không bao giờ chúng ta sẽ đạt được cái 100% đó.

Kể cả công việc của tôi tại HBO cũng vậy. Tôi không bao giờ “để dành” một ý tưởng hay cho một sản phẩm cho tương lai, vì tôi biết nếu không làm bây giờ, có thể sẽ không có dự án phù hợp để thực hiện chúng, hoặc có khi người khác sẽ làm trước và khi đó tôi sẽ thấy giận bản thân mình vì đã không chớp lấy cơ hội. Cứ phải bắt tay vào làm đã, rồi dần dần hoàn thiện sản phẩm của mình trong quá trình thực hiện nó. Đừng đợi chờ. Thời gian không chờ đợi ai!

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguyễn Liên
#