Cả nước thiếu tới 118.253 giáo viên, số lượng ngày càng tăng

- Thứ Sáu, 18/08/2023, 11:03 - Chia sẻ

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm  học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên

Bộ GD-ĐT cho biết, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm  học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).

Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên). Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Ngoài ra, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp; việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học.

Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Chính phủ tinh giản biên chế khiến tình trạng thiếu giáo viên càng chậm  khắc phục

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021- 2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT  -0
Số lượng giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023
[Nguồn: Thống kê sơ bộ cơ sở dữ liệu ngành]

Các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách cho đội ngũ theo quy định chung và tham mưu ban hành các chính sách đặc thù của địa phương nhằm động viên, thu hút đội ngũ yên tâm công tác...

Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đồng thời, việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.

Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành Giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

Cụ thể, Sở GDĐT Tuyên Quang tiếp tục thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý trong toàn ngành để bổ nhiệm, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục; trong năm học, toàn tỉnh đã tổ chức thi tuyển được 13 vị trí (01 vị trí Phó Giám đốc Sở GDĐT; 01 vị trí Phó Trưởng phòng GDĐT; 04 vị trí Hiệu trưởng; 07 vị trí Phó Hiệu trưởng);

Sở GDĐT Hòa Bình thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý theo đúng quy định; Sở GDĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 17 tháng 08 năm 2021 về Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở nơi có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ CBQL, giáo viên linh hoạt, tiết kiệm đảm bảo đủ giáo viên đáp ứng cho công tác giảng dạy tại các đơn vị trường học; …

Những vùng có tỉ lệ thấp nhất cả nước là: Vùng miền núi phía Bắc có tỉ lệ giáo viên mầm non/lớp là 1,6; Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ có tỉ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,29; Vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ giáo viên THCS/lớp là 1,69; Vùng đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ giáo viên THPT/lớp là 1,92.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT  -0
Tỷ lệ giáo viên/lớp năm học 2022 - 2023
[Nguồn: Thống kê sơ bộ cơ sở dữ liệu ngành

Xuân Quý
#