Bộ Y tế: Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y cần dựa trên cơ sở khoa học thực tiễn

- Chủ Nhật, 28/05/2023, 08:25 - Chia sẻ

Theo Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các cơ sở đào tạo cần đưa ra được cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và lý do của việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y.

Thông tin 4 trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua. Các tổ hợp được đưa vào xét tuyển gồm B03 (Toán, Văn, Sinh), A16 (Toán, Khoa học Tự nhiên, Văn), D12 (Văn, Hóa, Anh), bên cạnh các tổ hợp truyền thống.

Trên các diễn đàn, không ít người bày tỏ lo lắng, băn khoăn. Nhiều chuyên gia giáo dục và các bác sĩ đã làm việc lâu năm trong ngành y cho rằng, việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y là không phù hợp.

Trong khi đó, một số trường đại học lý giải, đưa môn Văn vào tuyển sinh là phù hợp với định hướng xây dựng phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình hay bác sĩ cơ sở - những người rất cần kỹ năng tiếp xúc, sự khéo léo để chia sẻ, động viên, tư vấn cho người dân.

Các môn khoa học tự nhiên vẫn là thiết yếu nhất, phù hợp với ngành Y

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết vấn đề quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, trong đó có đào tạo lĩnh vực sức khỏe do Bộ GD-ĐT phụ trách.

Trong Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (ban hành tháng 6 năm 2022) quy định các cơ sở đào tạo được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, bao gồm việc lựa chọn các tổ hợp, các môn đưa vào xét tuyển.

Tuy nhiên trong Khoản 5, Điều 6 của Thông tư 08 cũng nêu rõ: “Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm”.

Điều này có nghĩa, việc lựa chọn môn nào để đưa vào tổ hợp xét tuyển cũng cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Đại diện Bộ Y tế: Cần cơ sở khoa học của việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y  -0
Việc lựa chọn môn nào để đưa vào tổ hợp xét tuyển cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn (Hình minh họa)

Theo PGS Long, đối với đào tạo ngành Y, giáo dục đại học hiện có đến 17 mã ngành, đào tạo bác sĩ chỉ là 1 trong 17 mã ngành trên.

Trên thực tế, cả chục năm nay, việc tuyển sinh vào ngành Y vẫn chủ yếu dựa trên 2 tổ hợp xét tuyển là B00 và A00, tức sử dụng 4 môn Toán, Hóa, Lý, Sinh.

“Cho tới nay, theo những thông tin về mặt quản lý, chúng tôi không thấy có phản ánh hay điều gì thể hiện có bất cập liên quan đến việc dùng 2 tổ hợp này để xét tuyển. Còn về góc độ của ngành Y, chúng tôi vẫn quan điểm rằng, đây là 4 môn thiết yếu nhất và rất phù hợp đối với công việc, chức năng, nhiệm vụ của nhân lực ngành Y”, PGS Long nói.

Cần cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cụ thể

Từ góc độ cơ quan quản lý trong đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực y tế, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) mong muốn các cơ sở đào tạo cần đưa ra được cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, lý do tại sao đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y.

“Một số ý kiến cho rằng đưa môn Văn vào sẽ giúp tăng cường y đức, tăng cường khả năng giao tiếp của y bác sĩ,… Chúng ta nhận định như vậy, nhưng phải căn cứ trên cơ sở khoa học, không thể dựa vào ý kiến chủ quan của mỗi người. Ví dụ, vấn đề đạo đức của con người, đâu thể dựa vào việc giỏi môn Văn để đánh giá”, PGS Long nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, vấn đề giao tiếp, trò chuyện với bệnh nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trên thực tế, như số lượng bệnh nhân, thời gian thăm khám,... Do đó, không thể chắc chắn đưa môn Văn vào xét tuyển sẽ cải thiện được điều này.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh thêm, theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT, mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn. Như vậy, nếu đưa môn Văn vào xét tuyển, những môn khoa học tự nhiên vốn được sử dụng lâu nay như Toán, Hóa, Lý, Sinh, môn nào sẽ bị lược bớt? Trong tổ hợp xét tuyển vào ngành Y, liệu rằng môn Văn có quan trọng hơn môn bị lược bỏ hay không?

Những câu hỏi này các trường cũng cần làm rõ, cần sự phân tích dựa trên cơ sở khoa học.

Sinh viên ngành Y tốt nghiệp phải trải qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề

Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, theo Luật khám bệnh, chữa bệnh mới nhất, vừa ban hành đầu năm 2023 quy định, các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề, phải trải qua việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Việc kiểm tra, đánh giá do Hội đồng Y khoa Quốc gia (đơn vị do Chính phủ thành lập) chủ trì tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, trước đây, giấy phép hành nghề y được cấp vĩnh viễn. Tuy nhiên theo Luật khám bệnh, chữa bệnh mới, giấy phép hành nghề chỉ được cấp 5 năm, những lần sau cần gia hạn.

Như vậy, các trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe nên có trách nhiệm trong việc tuyển sinh, đào tạo để sinh viên ra trường có chất lượng, được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ông cũng lưu ý, ngành Y hiện có tới 17 mã ngành đào tạo đại học. Bởi vậy, các trường nên dựa trên nhu cầu thực tế, đặc điểm của từng ngành để xem xét, cân nhắc đưa môn nào vào tổ hợp xét tuyển.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cũng thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế dự kiến sẽ có trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về vấn đề này.

“Tuy nhiên, nếu Bộ Y tế có ý kiến cũng chỉ trên nguyên tắc như tôi vừa nêu. Còn việc đưa hay không đưa môn Văn vào tuyển sinh; chỉ khi có khảo sát cẩn thận, có cơ sở khoa học, nêu rõ được lý do tại sao đưa môn Văn vào xét tuyển là tốt hơn những môn khác thì mới có bằng chứng để khẳng định”, ông nói.

Nguyễn Liên
#