Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết luận kiểm tra trường Đại học Duy Tân

- Thứ Sáu, 28/10/2022, 09:12 - Chia sẻ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo kết luận kiểm tra Trường Đại học Duy Tân dài tới 23 trang với nhiều nội dung về thành tích hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Ngày 20.10.2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông báo số 1492/TB- BGDDT kết luận kiểm tra trường Đại học Duy Tân trong thời gian 25.4 - 29.4.2022. Nội dung thông báo kết luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; kiểm tra tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; kiểm tra bộ máy, nhân sự, ban hành quy chế tổ chức hoạt động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận kiểm tra trường Đại học Duy Tân -0
Trường Đại học Duy Tân

Giai đoạn 2017-2021 trường có là 3.398 bài báo quốc tế

Về vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các văn bản ban hành của Trường Đại học Duy Tân đã bám sát nội dung quy định về khoa học công nghệ tại các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa bổ sung, cập nhật đầy đủ các quy định về pháp luật liên quan đến giáo dục đại học và khoa học công nghệ. Cụ thể: Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3666/QĐ-ĐHDT ngày 1/11/2017; Quyết định số 17/QĐ-ĐHDT-HĐT ngày 30/5/2020.

Trong giai đoạn 2017- 2021, trường chi bình quân gấp 4,6 lần so với mức 5% kinh phí từ nguồn thu để đầu tư phát triển tiềm lực nghiên cứu và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; cao gần 2 lần so với mức 3% kinh phí hỗ trợ người học tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Trong giai đoạn 2018-2021, Trường Đại học Duy Tân đã chủ trì thực hiện 62 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và 140 đề tài cấp trường. Trường tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu có thành viên là nhà khoa học nước ngoài; đã triển khai 4 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác trong và ngoài nước. 

Số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, ESCI, Scopus trong giai đoạn 2017-2021 là 3.398 bài báo, trong đó 3.130 bài báo thuộc ISI, 95 bài báo thuộc ESCI và 173 bài báo thuộc Scopus.

Số lượng bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài khác, tạp chí trong nước, hội nghị, hội thảo quốc tế là 1.076 bài và hơn 50 sách, giáo trình các loại.

Tác giả bài báo quốc tế công bố trên các tạp chí chuyên ngành thuộc hệ thống danh mục SCIE/Scopus và các tạp chí quốc tế khác bao gồm cán bộ giảng viên cơ hữu của trường làm tác giả chính, đồng tác giả và cá nhân nhà khoa học trong và ngoài nước ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu. 

Trường Đại học Duy Tân đã ký 77 hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học và giao khoán chuyên môn đối với cá nhân nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu  viết bài báo khoa học và đăng trên tạp chí quốc tế ISI/ ESCI hoặc Scopus.

Thiết lập mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân có liên quan để giới thiệu Trường Đại học Duy Tân hợp tác nghiên cứu khoa học với các nhà nghiên cứu và trường đại học có uy tín. Cá nhân nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện 77 hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với trường đã công bố được 539 bài báo trên tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục ISI/ESCI/Scopus. 

Giảng viên cơ hữu cần đảm bảo theo Luật Giáo dục

Qua kiểm tra về vấn đề tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Duy Tân, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận xét, đánh giá như sau:

Trường Đại học Duy Tân là một trong những trường đại học ngoài công lập được nhà đầu tư tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, khẳng định được vị thế không những trong nước và quốc tế. Là một cơ sở giáo dục đại học tư thực nhưng đã sớm tham gia kiểm định chất lượng quốc tế và tham gia xếp hạng thế giới cùng với 04 trường đại học khác của Việt Nam.

Trường đã có chương trình hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo của Trường theo chuẩn quốc tế và được trường đối tác (CMU) công nhận tín chỉ của sinh viên Việt Nam khi tham gia chương trình đào tạo ở Việt Nam.

Trường đã triển khai công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ một số tồn tại ở trường Đại học Duy Tân như đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường chưa đảm bảo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục và khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018), quy định trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên dạy trình độ đại học là Thạc sĩ (theo báo cáo của Trường hiện còn 162 giảng viên có trình độ Đại học).

Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, đề xuất Trường Đại học Duy Tân rà soát, khắc phục toàn bộ những hạn chế, thiếu sót đã được nêu trong thông báo kiểm tra như  sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định về quản lý hoạt động khoa học công nghệ tại một số văn bản quy định về hợp tác nghiên cứu khoa học với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài trường tại Quyết định số 3666/QĐ-ĐHDT nhằm đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, đúng quy định về nguồn thu của nhà trường với hoạt động khoa học công nghệ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương; ban hành các văn bản quản lý, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu. 

Về hoạt động hợp tác nghiên cứu đối với cá nhân nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học công lập, trường cần lưu ý việc lấy ý kiến cho phép của cơ quan quản lý trực tiếp khi thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và giảng dạy. 

Về công tác tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, đoàn kiểm tra yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh và đào tạo của Trường trên căn cứ các quy chế, quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Năm 2021, Trường Đại học Duy Tân đã tuyển sinh đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành III là 5,2% (1542/1603).

Đoàn kiểm tra đã tổ chức lập biên bản xử phạt hành chính và chuyển Thanh tra Bộ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh. 

Nhà trường cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ tự chủ mở ngành, bảo đảm thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, hồ sơ minh chứng và chỉ tự chủ mở ngành khi đủ điều kiện. Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên, đặc biệt đối với một số ngành yêu cầu chất lượng đầu vào cao như Luật, Luật kinh tế…

Tuân thủ các quy định về tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, bảo đảm yêu cầu tiếng Anh đầu vào theo quy định. Thực hiện công khai và thông tin đầy đủ về yêu cầu.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra lưu ý rà soát đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường bảo đảm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục và khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018), quy định trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là Thạc sĩ.

Hồng Hạnh
#