Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị tiến sĩ

- Thứ Tư, 08/03/2023, 13:52 - Chia sẻ

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của ngành đào tạo. Vậy, Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất này?

"Không khả thi và chưa thể thực hiện được”

Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT cho biết, việc được đào tạo để có bằng tiến sĩ và hoạt động biểu diễn, nghệ thuật để được xét tặng danh hiệu NSND là các định hướng phát triển chuyên môn và nghề nghiệp có những điều kiện, tiêu chí và tiêu chuẩn khác nhau.

Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, việc công nhận tương đương giữa người có trình độ tiến sĩ và người được tặng danh hiệu NSND theo đề xuất của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là “không khả thi và chưa thể thực hiện đượcdo tiến sĩ là bậc học trình độ cao mang tính hàn lâm, yêu cầu phải chuyên sâu về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu khoa học, rất khác so với kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn và hoạt động nghệ thuật thực tế của NSND.

Tuyển sinh là sân chơi chung, thể hiện uy tín của từng trường đại học
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT

Tuy nhiên, trên thực tế, để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo các ngành trong lĩnh vực nghệ thuật, tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ và Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao học, nghiên cứu sinh và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Hiện, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường được huy động đội ngũ NSND và Nghệ sĩ Ưu tú trong công tác đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể:

“Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân, hoặc Nghệ nhân Nhân dân, hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng Thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng Tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng Tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh Phó Giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo” (Điều 3 Thông tư 02); 

“Giảng viên đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật: a) Giảng viên trợ giảng là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ…; b) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ Tiến sĩ, được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ Tiến sĩ...” (Điều 5 Thông tư 03).

Khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu

Trước đó, ngày 6.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo tiến sĩ.

Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Đình Thi cho biết, Trường thành lập Khoa Sau đại học năm 2000, với hai chuyên ngành đào tạo thạc sĩ là Nghệ thuật sân khấu và Nghệ thuật điện ảnh - truyền hình. Năm 2012, trường mở thêm hai chuyên ngành đào tạo tiến sĩ là Lý luận và lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử và phê bình nghệ thuật điện ảnh - truyền hình.

Đến nay, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã tuyển sinh được 7 khóa tiến sĩ và có 3 khóa tiến sĩ tốt nghiệp. Các nghiên cứu sinh tốt nghiệp đều có những luận án thiết thực, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đóng góp cho ngành nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật điện ảnh - truyền hình.

Tuy nhiên, trong hơn 05 năm trở lại đây, thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ năm 2016 đến nay, Nhà trường chỉ có 7 nghiên cứu sinh trúng tuyển. 

Đặc biệt, năm học 2017 – 2018, 2018 – 2020, 2022 - 2023, Nhà trường xác định tổng chỉ tiêu là 10, nhưng không tuyển được nghiên cứu sinh. Đặc thù đào tạo nghệ thuật chủ yếu dựa trên phát triển năng khiếu, tài năng cá nhân, hơn nữa, việc các nghệ sĩ, giảng viên quyết tâm đi học tiến sĩ, tiếp cận với công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu là không dễ dàng.

Chính vì vậy, nhà trường rất khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ đáp ứng yêu cầu của  người hướng dẫn nghiên cứu sinh theo tiêu chí trong quy chế tuyển sinh và tổ chức đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với đặc thù là cơ sở đào tạo các ngành nghệ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của ngành đào tạo.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 7.3, PGS. TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, dư luận đang hiểu nhầm về đề xuất này.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, đề xuất này không phải đánh đồng tất cả mọi đối tượng nghệ sĩ nhân dân (NSND) đều được đề xuất công nhận là tiến sĩ mà chỉ đề xuất cho nghệ sĩ nhân dân giảng dạy ở các khối trường nghệ thuật, có trình độ thạc sĩ thì được công nhận tương đương tiến sĩ để đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 tiến sĩ.

Theo PGS.TS Thi, đề xuất này hoàn toàn không mới bởi từ một năm trước, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về công tác đào tạo chuyên sâu đặc thù, để áp dụng cho những khối văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhà trường và một số trường nghệ thuật đã có đề xuất ý kiến này nên vấn đề đã được đưa ra bàn thảo. Hiện nghị định đó đã được góp ý nhiều vấn đề và chưa được phê duyệt.

Hồng Hạnh
#