Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển 27.850 biên chế giáo viên

- Thứ Tư, 05/10/2022, 07:33 - Chia sẻ

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 – 2023.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tuyển 27.850 biên chế giáo viên -0
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 – 2023.

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.

Ngoài ra, cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.  

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương...

Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập các trường công lập, xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách... 

Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ như: Trình Chính phủ xem xét, quyết định đưa dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; sửa đổi, bổ sung các quy định tại chùm thông tư 01 – 04 nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ giáo viên.

Xây dựng thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định "tối đa" định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 16 theo hướng quy định tỷ lệ giáo viên/học sinh theo các vùng miền nhằm bảo đảm tương quan giữa các vùng miền để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung cho địa phương năm học 2022 – 2023 và các năm tiếp theo; tập trung chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các năm học mới.

Tiếp tục triển khai khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thực trạng hoạt động nghề nghiệp của giáo viên các trường chuyên biệt làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

Đồng thời, dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Cả nước thiếu 94.700 giáo viên

Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ năm lớp 3, nhưng hai bộ môn này thiếu giáo viên trầm trọng. 

Riêng môn Ngoại ngữ, để thực hiện dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, theo Bộ GD&ĐT, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho hai năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Tương tự, để đủ cho cả 3 năm, cả nước sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh.

Với môn Tin học, theo Bộ GD&ĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cả nước cần bổ sung thêm 3.684.

​​

Hồng Hạnh
#