Bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng vì chủ quan: Cần lưu ý điều gì?

- Thứ Sáu, 04/11/2022, 06:57 - Chia sẻ

Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương.

Thêm 62 ổ dịch mới, 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết trong một tuần

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần 42, cả nước ghi nhận 9.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (11.260), số ca mắc giảm 14,1%.

Trong đó, số nhập viện là 7.668 ca, so với tuần trước (9.062) số bệnh nhân nhập viện giảm 15,4%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số ca mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 87 trường hợp.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng vì chủ quan: Cần lưu ý điều gì? -0
 Phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết Dengue theo tuần (Ảnh: CDC Hà Nội)

Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc tiếp tục ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến hết năm.

Tại Hà Nội, theo số liệu của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 43, thành phố đã ghi nhận 1.205 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 15,1% so với tuần trước (1.420 ca).

Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận/huyện/thị xã. Trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số khu vực như: Đan Phượng (144), Hoàng Mai (92), Thường Tín (91), Thanh Oai (87).  Đáng chú ý, trong tuần 43, Hà Nội có 3 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Thành phố cũng ghi nhận thêm 62 ổ dịch mới tại: Thanh Oai (10), Hà Đông (10), Đống Đa (8), Bắc Từ Liêm (4), Hoàng Mai (4), Nam Từ Liêm (3), Thanh Xuân (3), Tây Hồ (3), Long Biên (3), Hoài Đức (2), Ba Đình (2), Quốc Oai (2), Thường Tín (2), Mê Linh (2), Thạch Thất (1), Phúc Thọ (1), Chương Mỹ (1), Thanh Trì (1).

Tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết đã tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 559/579 xã, phường, thị trấn, với số ca mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,4%, nội thành chiếm 41,6%. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.

Theo CDC Hà Nội, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng vẫn đang ở mức cao.

CDC Hà Nội dự báo, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng vì chủ quan: Cần lưu ý điều gì?

Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện, không ít ca bệnh sốt xuất huyết nặng là các bệnh nhân sau vài ngày điều trị tại nhà thấy hạ sốt, nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên chủ quan, không theo dõi. Điều này dẫn đến khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.

Cụ thể, sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương.

Triệu chứng bắt đầu nhận thấy rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi vì đó có thể là dấu hiệu sốt xuất huyết nặng:

- Đau bụng dữ dội

- Nôn liên tục

- Chảy máu lợi, chân răng

- Nôn ra máu

- Thở nhanh

- Mệt mỏi/ bồn chồn

Sốt xuất huyết chuyển nặng vì chủ quan: Cần lưu ý điều gì? -0
Chảy máu chân răng là một trong những dấu hiệu sốt xuất huyết nặng

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra:

- Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp.

- Chảy máu nặng.

- Tổn thương tạng nặng và thậm chí là tử vong.

Tiến Minh
#