Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hiện nay có 300 triệu người mắc bệnh HPQ trên toàn cầu và đến năm 2025 con số này tăng lên 400 triệu người. Ở Việt Nam, nghiên cứu mới nhất về dịch tễ HPQ trên phạm vi toàn quốc cho thấy, tỷ lệ HPQ là 3,9%; HPQ ở trẻ em là 3,3% và ở người lớn là 4,3%.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, HPQ là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và cả ở nước ta, bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 ca tử vong do HPQ, tuy nhiên có đến 85% trường hợp tử vong do HPQ có thể phòng tránh được nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh hen rất nguy hiểm, trong cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong hoặc gây tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Ngoài ra nếu suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu ôxy não. Đối với bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, tình trạng suy hô hấp càng trầm trọng, nguy cơ tử vong càng cao. Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là HPQ ở trẻ em. Khi thời tiết lạnh nhanh và đột ngột làm phế quản người hen tăng thông khí, tăng co thắt gây khó thở hơn. Đáng lưu ý, phế quản người hen nhạy cảm với lạnh gấp hàng trăm lần so với người bình thường. Bên cạnh đó, độ ẩm tăng là môi trường tốt để vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc, phấn hoa phát triển, các chất ô nhiễm không khí tăng đậm độ làm người hen dễ mắc bệnh, hít phải gây tổn thương, tăng phản ứng viêm đường hô hấp và khó thở tăng. Hậu quả là viêm đường hô hấp, tăng co thắt phế quản làm trầm trọng thêm bệnh hen.
PGS. Nguyễn Văn Đoàn cho biết, trẻ nhỏ mắc bệnh HPQ thường có 4 dấu hiệu đặc trưng, gồm: Ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính. Ho có thể xuất hiện trước cũng có thể là triệu chứng duy nhất của hen. Khò khè (thở rít, cò cử). Khó thở (thở ngắn, khó thở ra). Nặng ngực (tức ngực). Trẻ có biểu hiện mệt hơn bình thường, biếng ăn, biếng chơi… Các dấu hiệu này thường tái đi tái lại nhiều lần, xảy ra về đêm và sáng, có liên quan đến yếu tố thay đổi thời tiết. Với cơn hen nguy kịch, trẻ sẽ có triệu chứng da tím tái, không nói được; thở ngáp, tiếng rít yếu hoặc không nghe thấy; trạng thái lơ mơ hay lú lẫn; nhịp thở chậm khác thường, nhịp tim chậm. Khi khó thở ở mức độ nặng và nguy kịch cần đi bệnh viện cấp cứu ngay.
Để phòng bệnh HPQ cho trẻ lúc thời tiết chuyển lạnh, PGS. Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo cha mẹ cần phải chú ý đến môi trường sống, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những dị nguyên dễ gây dị ứng như lông chó, mèo, phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá...
Về chế độ dinh dưỡng với trẻ HPQ, ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn, trẻ bị HPQ thường có cơ địa dị ứng, đặc biệt là dị ứng với thức ăn như hải sản, lạc, đậu... Do đó, khi trẻ HPQ, cha mẹ cần tìm ra yếu tố khiến trẻ lên cơn hen, từ đó, cần tránh xa những thực phẩm khiến trẻ dị ứng, những thức ăn nào khiến trẻ lên cơn hen thì chú ý lần sau không nên cho trẻ ăn nữa. ThS. Lê Thị Hải nhấn mạnh, vào mùa đông, nhu cầu năng lượng cao hơn mùa hè để chống chọi với trời rét, do đó quan trọng nhất là cho trẻ ăn cân đối, cân bằng, đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh HPQ tái phát. Muốn trẻ giảm bệnh, giảm tần suất cơn hen cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, trong thức ăn hằng ngày trẻ cần ăn đủ chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…), các vitamin A (rau củ quả, bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ, chuối…), vitamin C (cam, quýt, bưởi, rau xanh…), sắt, kẽm (hàu, ngao, thịt gà…) để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Khi cơ thể khỏe mạnh sẽ phòng được nhiều bệnh.