Mở rộng không gian học tập

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 13:28 - Chia sẻ
Giáo dục thường xuyên là một trong 3 trụ cột chính, bên cạnh giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tuy nhiên, để giáo dục thường xuyên phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình, cần có giải pháp đồng bộ giúp hệ thống này phát triển, mở rộng và nối dài các không gian học tập, để mọi người có cơ hội tiếp cận giáo dục, khuyến khích, nuôi dưỡng thói quen học tập suốt đời.

Phát triển chưa tương xứng nhu cầu

Theo đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ có khoảng 10% lực lượng lao động có chất lượng cao được đào tạo trình độ từ ĐH, CĐ trở lên, đáp ứng các yêu cầu làm việc (kỹ năng công nghệ thông tin và ngoại ngữ), xếp sau Singapore (55%), Malaysia (25%), Philippines (24%) và Thái Lan (14%). Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, các ngành nghề đang có sự thay đổi, chuyển dịch lớn, cạnh tranh việc làm giữa lao động các quốc gia diễn ra gay gắt... nguồn nhân lực không chỉ cần qua đào tạo mà còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới.

Giáo dục thường xuyên góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: ITN

Để dỡ bỏ rào cản về quy mô, thời gian, không gian… giáo dục - đào tạo, nhiều quốc gia đã lấy học tập suốt đời mà nòng cốt là giáo dục thường xuyên (GDTX) để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Malaysia, một trong những quốc gia có chất lượng lao động tốt nhất ASEAN đã có chiến lược bài bản nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận với tri thức ĐH. Tỷ lệ người dân theo học các chương trình CĐ, ĐH hiện nay của Malaysia là 36% và được kỳ vọng sẽ tăng lên 53% vào năm 2025. Điều này đạt được là nhờ hệ thống cơ sở học tập suốt đời mà “xương sống” là các trường CĐ cộng đồng, ĐH mở, từ xa, trung tâm GDTX nằm trong trường ĐH và hệ thống chương trình đào tạo trực tuyến… được đầu tư và phát triển mạnh.

Với Việt Nam, gần đây GDTX đã được nhìn nhận đúng đắn và quan tâm đầu tư phát triển. Theo PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX, Bộ GD - ĐT: Xét về tổng thể, sau 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển GDTX giai đoạn 2011 - 2020, hệ thống cơ sở GDTX phục vụ học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được kiện toàn, quy mô được duy trì và phát triển. Các cơ sở nòng cốt của GDTX bao gồm trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm ngoại ngữ - tin học ngày càng mở rộng độ bao phủ, phát triển từ 13.609 cơ sở vào năm 2010 - 2011 lên 15.560 cơ sở vào năm 2018 - 2019 (tăng hơn 11%), thu hút hơn 177 triệu lượt người tham gia học tập...

GDTX đã đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động. Tuy vậy, theo các chuyên gia, mạng lưới cơ sở GDTX phát triển chưa tương xứng với nhu cầu của người dân; chất lượng GDTX còn hạn chế, điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học của GDTX ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu... Nguyên nhân được chỉ ra là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDTX chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chính sách và cơ chế khuyến khích tăng cường nguồn đầu tư xã hội cho phát triển GDTX; các nguồn lực và đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động GDTX đổi mới...

Tập trung tháo gỡ vấn đề nổi cộm

Tại phiên họp của Tiểu ban Giáo dục thường xuyên (GDTX) và học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực với chủ đề “Định hướng mục tiêu và giải pháp cho GDTX trong Chiến lược Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn mới, mục tiêu chiến lược phát triển GDTX phải tập trung tháo gỡ những vấn đề nổi cộm của giáo dục, gắn chặt và phục vụ các ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cần được đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và học tập, kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập để mọi người dân tích cực học tập suốt đời. Theo TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội: Trước kia, sinh viên học xong ra trường là có thể đi làm, việc học giảm đi nhiều; nhưng trong thời công nghệ phát triển, kinh tế tri thức, lao động không thường xuyên bổ sung kiến thức thì khó làm việc, thậm chí người không học sẽ bị lạc hậu. Nhưng để đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, trường học phải mở, để người học cần gì có thể học đúng cái đó. Giáo dục phải cung cấp được nội dung, nhân lực, phương tiện phục vụ nhu cầu học rất đa dạng của người dân.

Đồng tình với ý kiến trên, GS. TS. Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: Trong 10 năm nữa, có thể sẽ phổ cập trung học. Khi ấy, học tập suốt đời không phải là học vấn phổ thông, mà là học vấn ĐH, trường ĐH có thể chia sẻ tri thức rộng rãi cho nhân dân, hay vẫn chỉ cho sinh viên như hiện nay? GS.TS.Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, GDTX phải đặt trong hệ thống giáo dục đại học như một bộ phận bổ trợ cho giáo dục chính thức ở những phần chưa thực hiện được, phát triển giáo dục cho sinh viên phi truyền thống (từ 22 tuổi trở lên)...  Ông Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam góp ý, cấp thiết phải xây dựng chính sách phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở và cấp phép truy cập mở, từ đó có thể dịch các tài nguyên giáo dục mở đang có sẵn rất phong phú.

Với quốc gia có tới 90% người dân không học ĐH như Việt Nam, để xây dựng xã hội học tập không thể là nhiệm vụ của riêng ngành GD-ĐT, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng và đề xuất ban hành quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động; có quy định, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập của bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo chất lượng GDTX... giúp hệ thống này có thể đóng góp tích cực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thảo Nguyên