Lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo

- Thứ Bảy, 26/01/2019, 08:51 - Chia sẻ
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 44 của Chính phủ, nhiều giáo viên đã và đang đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy. Hiệu trưởng, nhà quản lý cũng đổi mới từ quản lý sang quản trị, đồng hành với giáo viên… Nhiều tấm gương đã tạo dấu ấn, lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong toàn ngành giáo dục.

Yêu thương không lời - rối bời, vất vả

Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội là 1 trong 48 giáo viên được trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 - 2018. Hồ sơ tham dự của cô được đánh giá là một trong những hồ sơ có nhiều đóng góp giá trị cho việc dạy và học môn Văn trong trường phổ thông.

Trong các bài giảng hàng ngày, cô không chỉ sử dụng tài liệu bổ trợ như hình ảnh, clip… mà còn tạo ra nhiều tình huống trải nghiệm để học sinh tự nhận thức bài học. Ví dụ, cô đưa học sinh đến thăm gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng, thăm viếng mộ nhà thơ Xuân Diệu… để các em hiểu hơn về các tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm qua lời kể của người thân trong gia đình tác giả. Bên cạnh đó, cô Kim Anh xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường như một hoạt động bổ trợ môn học. Cô xây dựng quy trình đọc sách với các bước trước - trong - sau cho học sinh. Mỗi em đều có nhật ký đọc sách. Không dừng lại ở việc đọc sách đơn thuần, học sinh sẽ có các sản phẩm sau đọc - đó là các sáng tác nhạc, thơ, vẽ tranh, thuyết trình về nội dung cuốn sách, về nhân vật, tác giả... tùy theo năng lực từng em.

Đổi mới phương pháp dạy học không chỉ là đổi mới, sáng tạo trong nội dung giảng dạy mà còn bằng cách tạo sinh khí dạy và học. Sinh khí dạy và học chính là điểm tựa cho cả nội dung, phương pháp, tâm thế và năng khiếu của người làm thầy, để rồi, mỗi bài có sự sống động, hấp dẫn. Cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ: “Tôi hiểu rằng để dạy học suốt đời thì mỗi ngày cần có trí tuệ, có lòng yêu trò trong từng cuộc trao - nhận kiến thức. Trong dạy học, nếu kiến thức và tình cảm không thành lời, thiếu sự thuyết phục thì cả thầy và trò sẽ rối bời, vất vả. Suốt hơn 20 năm đứng lớp, ngày ngày tôi vẫn đi tìm con đường nói hay, giảng sâu. Mong muốn ấy không chỉ để giúp tôi trụ với công việc mà còn ngầm thể hiện niềm tri ân cuộc sống đã cho tôi được làm một nghề cao quý. Tôi luôn biết, mình may mắn khi được học trò, phụ huynh ghi nhận. Và tôi hiểu con đường duy nhất để sáng nghề dạy học là cần không ngừng đổi mới và sáng tạo”.


Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội chúc mừng cô giáo Nguyễn Kim Anh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

 “Tôi không còn bắt con cá phải leo cây”

Tự đánh giá mình là người có nhiều cảm xúc và tự nhận điểm yếu của mình là khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Thăng Long, Hà Nội) trong chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” (Đài Truyền hình Việt Nam) cũng mang đến những điều đáng suy ngẫm. Trong công tác giảng dạy, cô Hiền Lương quan niệm, bên cạnh việc khen ngợi, nêu gương những tấm gương tốt thì giáo viên cần phải chỉ ra và phê bình khi các em làm chưa tốt để các con rút kinh nghiệm. Vậy nên ngoài những giờ học vui vẻ, lớp học của cô còn có những màn “đấu tố” lỗi sai, những lời phê bình, trách mắng. Chẳng hạn, ngay trong chương trình, cô đã phê bình một học sinh không mặc áo đồng phục khi xếp hàng dưới sân trường trước cả lớp khiến em này vô cùng bối rối.

Được sự hỗ trợ của ban cố vấn chương trình, hành trình thấu hiểu học trò của cô được khơi mở, cô đã biết chấp nhận sự khác biệt của học trò, các cơn cáu giận được kiềm chế. “Tôi không còn bắt con cá phải leo cây. Tôi động viên cậu học sinh nhỏ nhất lớp tôi không học được môn nào cả nhưng lại thích lắp ghép, sửa chữa đồ đạc… Tôi không bắt chúng phải học giỏi toàn diện vì tôi biết nhân vô thập toàn. Tôi giúp chúng tìm và phát huy thế mạnh của mình. Tôi biết kiềm chế những cơn cáu giận bằng cách hít thở sâu 3 - 5 giây rồi gọi tên cảm xúc của mình và một vài kỹ thuật khác. Đó thực sự là 3 giây kỳ diệu. Nó khiến cho tâm chúng ta lắng lại, cơn cáu giận được dồn xuống. Và khi chúng ta gọi tên được cảm xúc, chỉ ra nguồn cơn của cơn cáu giận thì tâm trạng của ta cũng thoải mái hơn rất nhiều” - cô giáo Nguyễn Hiền Lương chia sẻ.

Cô Hiền Lương cho rằng những thay đổi này có lẽ cô phải rèn luyện đến hết sự nghiệp của mình, chứ không phải chỉ trong 1, 2 tiết dạy mà thay đổi. Thế nhưng, sau những nỗ lực đổi mới dạy và học, nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo để giảm áp lực cho học sinh, để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui, cô Hiền Lương thực sự cảm thấy công việc đứng lớp của một giáo viên thật nhiều ý nghĩa và ngập tràn hạnh phúc. “Tôi đã và đang trên con đường đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc cho mình, cho những lứa học sinh của mình và cho tất cả mọi người. Con đường đó không hề đơn giản. Nhưng tôi tin với sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo như bây giờ và khát khao thay đổi tự thân của mỗi giáo viên thì tất cả chúng ta sẽ làm được. Nền giáo dục của chúng ta sẽ là nền giáo dục hạnh phúc, đào tạo ra những con người hạnh phúc”, cô nói.

Nhân lên năng lực tự thân

Sau 19 năm gắn bó với Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), năm 2016, cô Nguyễn Thị Nhiếp được phân công về làm Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa. Với kinh nghiệm lâu năm của một nhà quản lý, cô Nhiếp cho rằng, thử thách phát triển chuyên môn cho giáo viên nhằm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là thử thách khó khăn nhưng vinh quang nhất, bởi lẽ, yêu cầu đổi mới, sáng tạo đang “đính kèm” mỗi ngày với giáo dục. “Tôi đã từng rất thành công khi tổ chức các lớp bồi dưỡng mà giáo viên phải đóng tiền để mời chuyên gia. Điều đáng nói là họ học một cách say mê và hào hứng ngay cả khi lớp học được tổ chức vào buổi tối. Và tôi cũng đã từng rất buồn khi tổ chức các lớp bồi dưỡng bao cấp hoàn toàn mà không ít cán bộ quản lý lẫn giáo viên lừng khừng, lẩn trốn, bỏ ra ngoài, thờ ơ… tôi cũng không ít lần lặng người khi nhận được câu hỏi “Sếp ơi, bao giờ thì hết đổi mới?”, “Em ơi, bao giờ thì bọn chị không phải học bồi dưỡng?”, cô chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, công tác bồi dưỡng giáo viên chưa đạt hiệu quả vì lâu nay ngành giáo dục vẫn thường “bồi” mà không “dưỡng”, hoặc có khi “dưỡng” mà không “bồi”. Để khắc phục hạn chế đó, ở Trường THPT Yên Hòa, sau mỗi đợt “bồi”, thường có kế hoạch “dưỡng” thông qua các hội giảng, hội thi, không chỉ là thuyết trình, báo cáo của chuyên gia mà còn rất chú trọng các hoạt động trải nghiệm, thực hành ngay trong buổi học… Sau đó có đánh giá, nhận xét, tổng kết, tuyên dương và khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt chuyên đề bồi dưỡng trước Hội đồng giáo dục, trước học trò, cha mẹ học sinh. Chính nhờ sự động viên, khuyến khích kịp thời đó mà ngày càng nhiều hơn những tấm gương nhà giáo đổi mới dạy và học được tuyên dương trong nhà trường. “Sâu thẳm trong lòng mình, đa số giáo viên đều có nhu cầu được ghi nhận, được đánh giá, được khẳng định giá trị của mình trước đồng nghiệp, trước học trò. Mỗi nhà quản lý cần nhìn được ánh sáng lấp lánh đó ở mỗi giáo viên từ mỗi chuyên đề bồi dưỡng cụ thể để ghi nhận, khích lệ họ và chính họ sẽ là người tích cực giúp các nhà quản lý bồi dưỡng cho giáo viên khác được tốt hơn”, cô Nguyễn Thị Nhiếp khẳng định.

Khải Minh