Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên

Không chạy theo thành tích, ứng thí

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 09:18 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020 sáng 21.1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người làm đầu. Vì vậy, thời gian tới, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, đào tạo không vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính người học, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

Cú hích đổi mới giáo dục phổ thông

Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010 - 2020” theo Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.06.2010 đã tác động thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên. Mặc dù là một tỉnh miền núi nhiều khó khăn, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hương cho biết, nhờ có đề án, từ một trường quy mô nhỏ, nay Trường THPT chuyên Bắc Kạn đã có đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó học sinh giỏi quốc gia tăng hàng năm.

Học sinh các trường THPT chuyên giành huy chương tại Olympic Hoá học quốc tế 2017

“Trước đây, Bắc Kạn chưa bao giờ có được giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Nhưng 2 - 3 năm trở lại đây tỉnh đã có giải nhì và giải cho những môn tự nhiên; 100% học sinh trường chuyên đỗ đại học, trong đó nhiều em đỗ các trường tốp đầu… Có thể nói sau 10 năm, Trường THPT chuyên Bắc Kạn đã trở thành điển hình cho các trường THPT trên toàn tỉnh, là địa chỉ tin cậy và mơ ước của học sinh, phụ huynh trong tỉnh”, ông Phạm Duy Hương chia sẻ.

Còn theo GS. TS. Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, nhờ có Quyết định số 959/QĐ-TTg, từ 1 lớp A0, ĐHQG Hà Nội đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQG Hà Nội phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng; học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. “Có thể nói, đây là một chủ trương rất tốt, không chỉ khẳng định vai trò của khối THPT chuyên trong hệ thống THPT nói riêng mà còn khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới”.

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chinh phục Olympic Khoa học trẻ quốc tế

Ảnh: Thế Đại 

Sớm ban hành quy chế mới về trường chuyên

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo; trong đó chú trọng phát triển trường chuyên thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Mai Tấn Linh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để tăng cường kết nối trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài phát triển trường chuyên…

GS. TS. Nguyễn Đình Đức đề nghị đổi mới chương trình đào tạo hoặc triết lý đào tạo của trường THPT chuyên nhằm tránh hiểu lầm của xã hội về việc trường chuyên chỉ đào tạo “gà nòi”. Nếu đào tạo nhân tài thì phải đào tạo toàn diện, không chỉ giỏi môn chuyên, mà còn phải giỏi ngoại ngữ, tin học và có đầy đủ kỹ năng mềm.

"Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất, các nhà trường phải luôn nuôi dưỡng khát vọng, đam mê của các em. Có tài năng, có đam mê sẽ giúp các em vượt qua tất cả khó khăn”, GS. TS. Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh internet

Đầu tư đúng và trúng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, lấy nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người làm đầu. "Đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính người học, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huy chương. Câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải ở các trường THPT chuyên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít phụ huynh chưa suy nghĩ thấu đáo, chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. "Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp, trong đó phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa sáng. “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành để làm chỗ dựa cho các đơn vị, địa phương triển khai. Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển. Đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng phải đúng và trúng, bắt đầu từ các công việc khác nhau để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các địa phương đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không quan tâm đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục.

Khải Minh