20.11 với Nhà giáo trong xã hội số

- Thứ Năm, 17/11/2022, 08:21 - Chia sẻ

Cần phải bồi dưỡng các thầy cô giáo về những tri thức giáo dục và sư phạm hiện đại, về những kỹ năng số, về năng lực xây dựng và làm chủ những nhà trường thông minh.

Tôi là nhà giáo về hưu, với 88 năm tuổi đời, trong đó có 68 năm làm nghề dạy học. Về hưu đối với tôi, có nghĩa là không còn trong biên chế như những nhà giáo đang hàng ngày lên lớp cho học sinh, sinh viên, nhưng tôi vẫn làm nhiệm vụ truyền đạt và chia sẻ tri thức trên báo chí, trên những trang sách tôi viết hàng ngày, đặc biệt là trên mạng Internet.

Nhưng việc dạy học như tôi đang làm không có những học trò cụ thể. Ai thấy việc tôi làm có ích cho việc học tập của họ thì họ truy cập vào những kiến thức tôi đưa ra.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, để những tri thức mà mình đưa ra có ích với ai đó, tôi phải làm học trò, nhất là làm học trò của các thầy giáo - những tác giả của các công trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sư phạm… đặc biệt là các thầy giáo trên mạng, thông qua con đường truyền đạt tri thức theo phương thức trực tuyến.

Tóm lại, để tham gia vào việc dạy học của người về hưu, tôi phải thực hiện những hành trình tìm kiếm tri thức và sau đó là sự chia sẻ tri thức hoàn toàn tự nguyện, bởi động lực chính của việc làm ấy là để tạo niềm vui cho tuổi già.

20.11 với Nhà giáo trong xã hội số -0
GS.TS Phạm Tất Dong

Hồi còn đang là sinh viên của trường Sư phạm, tôi thường để thì giờ đọc lịch sử tư tưởng giáo dục của nhân loại. Một hôm, tôi bị bài viết về quan điểm giáo dục của John Locke thu hút sự chú ý. Quan điểm ấy tôi đã vô cùng tâm đắc và thực hiện trong những năm dài làm nghề dạy học.

John Locke (1632 - 1704) là một nhà triết học nổi tiếng người Anh. Ông đã trình bày vấn đề tri thức của con người theo một luận điểm độc đáo: Tri thức - sự hiểu biết của mỗi chúng ta không phải là cái bẩm sinh, mà là kết quả của cả quá trình nhận thức lâu dài.

Dạy học là việc dắt dẫn học trò nhận thức được điều thầy giáo muốn truyền đạt để họ từ đó có được những kinh nghiệm cá nhân. Locke viết: “Linh hồn chúng ta khi mới sinh ra, có thể nói, như một tờ giấy trắng, không có một ký hiệu hay một ý niệm nào cả”. Tờ giấy trắng ấy, ông gọi là Tabula rasa (tấm bảng sạch).

Lời nói, cử chỉ của thầy giáo đều được ghi lên Tabula rasa. Những tri thức mới, những tình cảm trong sáng, những khát khao chân lý, những ý tưởng tốt đẹp… mà thầy giáo trình bày trước học trò đều được ghi vào tấm bảng này. Những kiến thức sai, những lời nói không chuẩn mực, những nội dung giảng dạy thiếu sự chính xác khoa học… của thầy, cũng sẽ được ghi dấu trong tâm hồn trẻ.

Do vậy, trách nhiệm vô cùng lớn lao của thầy giáo là đừng để lại một ấn tượng không đẹp trên Tabula rasa. Một lời nói xúc phạm đến nhân cách học sinh, một lời phê có tính bực bội gay gắt, một nhận xét không mang tính xây dựng của thầy sẽ làm tổn thương tâm lý của học trò.

Một phụ nữ thành đạt trong xã hội có chia sẻ trên mạng Internet một ý nghĩ: “Khi tôi học trung học phổ thông, thầy X nói rằng, em sẽ chẳng làm nên việc gì lớn lao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vì em học dốt. Nay tôi đã có những việc làm được xã hội công nhận, nhưng nhiều khi vẫn nghĩ đến lời nói của thầy những năm trước”.

Đội ngũ giáo viên chúng ta đã góp mồ hôi nước mắt vào sự nghiệp giáo dục để hôm nay đất nước có một nền giáo dục phát triển: Một nền giáo dục phổ cập giáo dục 9 năm, một quốc gia có trên 95% người độ tuổi 15-60 vượt chuẩn biết chữ mức độ 2, nạn mù chữ cơ bản được thanh toán, một hệ thống giáo dục đại học đã góp phần đào tạo được đội ngũ trí thức mới trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại. Điều đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc đã đánh giá rất đúng mức.

20.11 với Nhà giáo trong xã hội số -0
Cần phải bồi dưỡng các thầy cô giáo về những tri thức giáo dục và sư phạm hiện đại (ảnh minh hoạ)

Đáng tiếc là, một số người đã có những việc làm méo mó, lệch lạc khiến những nhà giáo chân chính phải xấu hổ. Những “lò ấp” tiến sĩ, những luận án tiến sĩ vô bổ, những khoản học phí cao ngất ngưởng, những sách giáo khoa có “sạn”… đã bôi một vết nhọ vào một nền giáo dục mà chúng ta đã cố công xây dựng.

Ông Khổng Tử (551 - 479 TCN) là một triết gia nổi tiếng người Trung Quốc, đã có một câu nói hay về giáo dục:

“Học không biết chán

Dạy không biết mỏi”

Qua mấy nghìn năm lịch sử, câu này rất đúng. Đến nay, ở thời đại số, giá trị của câu này vẫn được trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh cả triệu thầy, cô giáo đang miệt mài dạy học, đang bám chắc trường lớp vùng cao, lặn lội mang con chữ tới vùng sâu vùng xa, đang ngày đêm gắn bó với những ngôi trường đơn sơ tại những vùng nông thôn hẻo lánh lại có hàng nghìn giáo viên vì đồng lương quá thấp, vì những áp lực vô lối mà họ phải chịu đựng mà bỏ nghề.

Cần giải quyết gấp những việc như thế, trước hết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ bỏ những cơ chế, chính sách đang trở thành những rào cản hệ thống giáo dục chuyển đổi số.

Cần phải bồi dưỡng các thầy cô giáo về những tri thức giáo dục và sư phạm hiện đại, về những kỹ năng số, về năng lực xây dựng và làm chủ những nhà trường thông minh mà chúng ta không thể thiếu được trong thập niên 2020 - 2029.

Các thầy cô giáo đang trông đợi điều này.

Các lớp thanh thiếu niên và trẻ em thế hệ Z và Alpha đang vô cùng cần đến điều này.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký trung ương Hội Khuyến học Việt Nam
#