10/10 học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại "kỳ thi Hóa học khó nhất hành tinh”

- Thứ Hai, 29/04/2024, 07:36 - Chia sẻ

Cả 10 thí sinh của đoàn Việt Nam tham dự Olympiad Hóa học Quốc tế Mendeleev (IMChO) đều có huy chương. Đây là một trong những giải đấu lớn và uy tín nhất thế giới dành cho các nhà Hóa học trẻ.

Năm 2024 cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử thành viên tham dự kỳ thi này. Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, đoàn học sinh Việt Nam đoạt 1 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.

Huy chương Vàng thuộc về em Giang Đức Dũng, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Huy chương Bạc thuộc về các em Ngô Huy Đăng Khoa, Trần Đăng Khôi (THPT Trường Chuyên Hà  Nội - Amsterdam, Hà Nội), Nguyễn Ngô Đức (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Vũ Việt Bắc (Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) và Tạ Quang Chí (Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc).

Huy chương Đồng thuộc về các em Lê Đức Huy (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), Lê Xuân Anh Quân (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Lê Thành Đạt (Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) và Đặng Trần Nhật Minh (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Với kết quả này đoàn Việt Nam đứng thứ ba sau đoàn Trung Quốc và Nga.

10/10 học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại
Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với GS Alexander Gladilin - Trưởng Ban chuyên môn tại Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mandeleev lần thứ 58
10/10 học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại
Em Giang Đức Dũng (Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) nhận Huy chương Vàng

Được biết, đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi được thành lập trong thời gian chưa đầy 20 ngày, lần đầu tiên tham gia đấu trường và phải cạnh tranh mạnh như Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Israel,…

Kỳ thi Olympiad Hóa học Quốc tế Mendeleev (IMChO) lần thứ 58 được tổ chức tại Thẩm Quyến (Trung Quốc), kết thúc vào ngày 26.4. 

Tại kỳ thi, Ban tổ chức trao cho 151 thí sinh đến từ 26 nước trên thế giới 15 Huy chương Vàng, 30 Huy chương Bạc và 45 Huy chương Đồng. Ngoài ra, có khoảng 40 học sinh đến từ 14 nước tham dự với tư cách là quan sát viên (không xếp huy chương). Đặc biệt, lần đầu tiên trong năm nay có giải thưởng mang tên Học viện Valery Lunin do Quỹ Melnichenko thành lập đang được trao tặng.

Năm 2024, Việt Nam có 10 học sinh tham gia Kỳ thi Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 58. Do thành tích cao ở các kỳ thi IChO, ARBChO, IPChO nên mặc dù tham dự lần đầu tiên nhưng Việt Nam được Ban tổ chức đặc cách cho tham gia thi chính thức mà không phải trải qua 2 năm làm quan sát viên theo quy định.

Ngôn ngữ chính được dùng trong đề thi IMChO là tiếng Nga, nhưng theo yêu cầu của các quốc gia tham gia, đặc biệt là những nước không sử dụng tiếng Nga, từ 2013, Ban tổ chức đã cung cấp thêm cả phiên bản tiếng Anh của đề thi và đáp án. Ngoài ra, nếu cần thiết, các trưởng đoàn cũng có thể dịch các tài liệu thành ngôn ngữ của nước mình.

10/10 học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại
Em Tạ Quang Chí (Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc) trong phần thi thực hành

Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev được tổ chức theo 3 vòng, mỗi vòng đều kéo dài 5 tiếng.

Vòng một, học sinh thực hiện bài thi lý thuyết gồm 8 bài, mỗi bài 10 điểm. Điểm tối đa của vòng một là 80 điểm.

Vòng thi lý thuyết thứ hai gồm 5 lĩnh vực (hóa lý, hóa vô cơ, hóa hữu cơ, hóa phân tích, hóa học sự sống và polymer), mỗi lĩnh vực có 3 bài. Học sinh sẽ lựa chọn mỗi bài trong một lĩnh vực để làm. Điểm của mỗi bài vòng hai là 15 điểm. Điểm tối đa của vòng hai là 75 điểm.

Ở vòng 3, học sinh tiến hành bài thi thực hành thường gồm 3 phần, mỗi phần 25 điểm. Điểm tối đa của vòng thi thực hành là 75 điểm.

Đề thi của kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev không có giới hạn, thường khó hơn IChO và các Kỳ thi Hóa học Quốc tế khác nên được mệnh danh là “kỳ thi Hóa học khó nhất hành tinh”.

Ngoài các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng bài thi có kết quả cao (absolute winer) sau 2 bài thi lý thuyết, bài thi thực hành với tổng giá trị 2 triệu rúp.

Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần đầu tiên diễn ra vào năm 1967 dành cho các học sinh phổ thông, do Bộ Giáo dục Liên bang Soviet (cũ) tổ chức. Kỳ thi này được tổ chức hàng năm và ban đầu được gọi là Olympic Hóa học Liên bang Soviet. Từ năm 1992, sau khi Liên bang Soviet tan rã, kỳ thi chính thức mang tên Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev, dành cho các quốc gia thuộc khối Soviet cũ. Từ năm 2004 trở đi, nhiều quốc gia khác cũng đã cử học sinh tham gia.

Trong lịch sử hơn 50 năm của kỳ thi, hầu như tất cả các quốc gia thuộc Liên bang Soviet cũ đều đã từng đăng cai tổ chức Olympiad Hoá học Mendeleev (Soviet). Kỳ thi này luôn là sự kiện quy tụ những tài năng hoá học trẻ từ nhiều quốc gia. Ngoài mục đích phát triển giáo dục hoá học mức độ cao, các kỳ thi IMChO còn lãnh trách sứ mệnh truyền tải thông điệp: Không tồn tại bất kỳ biên giới nào trong lĩnh vực giáo dục -  giữa những quốc gia và nền văn hoá khác nhau.

IMChO là công cụ đầy sức mạnh để tạo ra và duy trì không gian giáo dục hoà hợp giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là với những người chiến thắng.

Đây là cơ hội để nhận học bổng toàn phần từ ĐH Quốc gia Moscov (MSU) và các đại học hàng đầu khác của nước Nga. Những thí sinh đoạt giải IMChO sẽ có cơ hội được tuyển thẳng vào khoa Hoá học, ĐH Quốc gia Moscov (trong giai đoạn 2004 - 2006, có 45 thí sinh đoạt giải đã gia nhập MSU).

Nguyễn Liên
#