Thu hút đầu tư còn rất khiêm tốn
Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành dược nước ta đã có những bước tiến nhất định. Cụ thể, thị trường dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh, với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên 7,2 tỷ USD vào năm 2023, sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Kết quả này cho thấy nước ta có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm của khu vực.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung cho biết, Đảng, Chính phủ rất quan tâm tới thu hút FDI vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế với những chính sách ưu đãi cao nhất. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về y dược của thế giới cũng đã đầu tư sang nước ta. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn.
Theo đó, trong tổng số gần 40.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn gần 500 tỷ USD, chỉ có 159 dự án đầu tư trong lĩnh vực y dược với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung đầu tư tại 13 tỉnh, thành. Hiện, dự án đầu tư từ những trung tâm dịch vụ y tế hàng đầu thế giới như ở châu Âu vào Việt Nam chưa nhiều; các dự án cũng chỉ tập trung ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Lý giải việc thu hút FDI trong lĩnh vực y dược chưa được như kỳ vọng, ông Chung cho rằng, trước tiên bởi đây là ngành liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người dân nên điều kiện cấp giấy phép chặt chẽ hơn các ngành khác. Luật pháp liên quan đến y dược vẫn còn một số hạn chế và đang dần được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Việt Nam khi tham gia hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực y dược còn khó khăn, hợp tác chưa chặt chẽ, đặc biệt là về vốn, công nghệ, năng lực quản lý chưa tương thích, gây khó khăn trong thu hút FDI. Ngoài ra, điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân cũng tác động đến các dự án y dược.
Hiện, Việt Nam đang có những thay đổi về quy mô kinh tế cũng như thu nhập trung bình của người dân. Hệ thống pháp luật đang dần cải thiện. Thêm vào đó, tại một số địa phương đang có xu thế đầu tư dự án, tổ hợp các khu công nghiệp chuyên thu hút dự án đầu tư về dược và y tế. Đây là những điều kiện thuận lợi để có thể thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành dược trong thời gian tới.
Có chính sách cụ thể cho chuyển giao công nghệ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 (gọi tắt là dự thảo Luật) có các nhóm chính sách, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp dược về đầu tư, đất đai, thuế…; đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp giấy phép đăng ký lưu hành thuốc theo hướng thuận lợi hơn; có cơ chế tham chiếu kết quả thẩm định và công nhận lẫn nhau giúp đẩy nhanh hơn khả năng tiếp cận thuốc mới, vaccine và sinh phẩm… Định hướng sửa đổi nhằm thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương… của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia đều đánh giá cao những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật; tin tưởng sửa đổi Luật Dược đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa ngành y tế Việt Nam.
Bà Radhika Bhalla, Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các thị trường Liên minh châu Á, đề xuất, để tăng tính hiệu quả và minh bạch cho hoạt động quản lý và kinh doanh dược phẩm ở Việt Nam, dự thảo cần quy định một thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký giấy đăng ký lưu hành thuốc ngắn hơn so với hạn hiện tại là 12 tháng. Việc rút ngắn thời gian này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Cũng theo bà Radhika Bhalla, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trong nước trong ngành dược phẩm đã được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký và chính sách đầu tư. Do đó, cần thiết có các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài rõ ràng và hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
“Việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ sẽ giúp thu hút các công ty đa quốc gia có chuyên môn vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà tin tưởng.
Tin tưởng khi dự thảo Luật được thông qua sẽ mở cánh cửa cho các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích doanh nghiệp FDI liên kết nhiều hơn với các cơ sở sản xuất trong nước, ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư Thành viên Vilaf lưu ý: khi ra quyết định đầu tư một dự án lớn ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến các cơ chế ưu đãi, mà cả những cơ chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do vậy, cần có sự phối hợp trong cấp phép, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để thu hút đầu tư vào ngành dược trong thời gian tới.