ĐBQH, Chủ tịch HĐQT VietinBank NGUYỄN VĂN THẮNG: Nguyên nhân chính là bất ổn nội tại của nền kinh tế

Nguyên nhân của nợ xấu là gì, là câu hỏi được nhiều ĐBQH, nhân dân quan tâm. Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nợ xấu là vấn đề các ngân hàng thường xuyên, liên tục phải đối mặt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, trong đó, nguyên nhân chính là các yếu tố bất ổn nội tại của nền kinh tế. Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam tăng đột biến trong giai đoạn 2012 - 2014 sau khi nền kinh tế của chúng ta có vấn đề. Đó là bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán đổ vỡ đầu năm 2011, nền kinh tế có rất nhiều bất ổn, lãi suất ngân hàng lên tới trên 20%. Hệ quả của giai đoạn này là rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, không thể trả nợ ngân hàng.
Vấn đề xử lý nợ xấu chậm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đối với nền kinh tế, nếu xử lý nhanh, khoảng đâu đó 10% dư nợ tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra tăng trưởng GDP. Đối với ngân hàng, khi xử lý các khoản nợ xấu, bản thân ngân hàng có thêm nguồn lực để đưa vào kinh doanh. Nếu không thu được nợ xấu sẽ làm cho chi phí ngân hàng tăng lên, kéo theo lãi suất đầu ra sẽ bị ảnh hưởng. Nếu xử lý được các khoản nợ đọng, ngân hàng có thêm nguồn lực để hạ lãi suất. Đối với các doanh nghiệp, nếu không xử lý được nợ sẽ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng tiếp, có thể dẫn tới dừng hoạt động, phá sản.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank NGHIÊM XUÂN THÀNH: Mong xã hội chia sẻ khó khăn với ngành ngân hàng

Vấn đề cấp thiết nhất trong xử lý nợ xấu chính là việc xử lý tài sản bảo đảm. Các trường hợp khi khách hàng không trả được nợ, nhưng cũng không bàn giao lại cho ngân hàng thì chuyển qua cơ quan tòa án xử lý theo quy trình pháp luật. Tại Vietcombank chỉ riêng năm gần đây đã có 790 vụ phải chuyển qua tòa án, ngoài ra còn 98 vụ đã gửi qua tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp thông qua tòa án phải mất tới 2 năm, có vụ ngân hàng đã phải theo đuổi tới 7 năm, có vụ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên. Như vậy vốn tồn đọng sẽ rất lâu. Quá trình thi hành án cũng rất khó khăn, mất thêm 2-3 năm nữa, có trường hợp 4 - 5 năm vẫn không thi hành án được. Ví dụ như khoản nợ của Công ty An Phúc tại Bình Dương đã 3 năm chưa thể thi hành án. Trong khi chờ tòa giải quyết thì tài sản bảo đảm xuống cấp và mức độ tổn thất của ngân hàng càng lớn.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD không phải là chưa có tiền lệ. Mong các ĐBQH chia sẻ với nỗ lực và khó khăn của ngành ngân hàng để sớm giải phóng nợ xấu, góp phần phát triển kinh tế. Các giải pháp trong dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các TCTD không phải là cây đũa thần nhưng quan trọng là nó tạo ra chế tài bình đẳng trong quan hệ dân sự trước pháp luật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ nợ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Giải quyết vấn đề cấp bách bằng chính sách đặc thù

QH xây dựng Nghị quyết về xử lý nợ xấu nhằm xử lý dứt điểm vấn đề này trong nền kinh tế, tạo ra luật mới cho hệ thống tài chính. Nghị quyết ra đời đáp ứng yêu cầu trong tình huống đặc thù, cấp bách thì cần có giải pháp, chính sách đặc thù để xử lý.
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu có nhiều điểm mới. Đầu tiên là có điểm khởi đầu và điểm kết thúc, Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 và có thể kết thúc vào ngày 1.7.2022, tùy theo QH quyết định. Thứ hai là, Nghị quyết không phân biệt nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo sở hữu, tức là không phân biệt nợ xấu của NHTM Nhà nước, hay của NHTM CP. Điều này phù hợp với tinh thần thảo luận và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới DNNN, đồng thời thực hiện đúng theo tinh thần các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ ba, Nghị quyết giới hạn thời gian xử lý nợ xấu kết toán đến ngày 31.12.2016. Thứ tư, Nghị quyết này hệ thống hóa lại quy trình xử lý tài sản bảo đảm của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp qua tòa án theo quy trình rút gọn. Trong đó, các quy định đều bảo đảm được tính hợp Hiến, hợp pháp của Nghị quyết, tôn trọng quyền của chủ nợ, tôn trọng và yêu cầu con nợ phải có trách nhiệm với cam kết của mình theo pháp luật dân sự hiện hành, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các Luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay quy định việc xử lý tài sản được thực hiện theo nhiều bước, nhưng Nghị quyết quy định rút gọn thành 2 bước, bảo đảm thời gian giải quyết nhanh và có hiệu lực ngay.