Người lao động nước ngoài quyết toán thuế thu nhập cá nhân thế nào?

- Thứ Tư, 13/03/2024, 08:25 - Chia sẻ

Xin hỏi, đối với trường hợp người lao động nước ngoài có thu nhập ở hai nơi khác nhau thì sẽ quyết toán thuế thu nhập cá nhân thế nào? – Câu hỏi của bạn Nguyễn Hiếu (Phú Thọ).

Nguyên tắc thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân -0
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)

Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với một số trường hợp quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 26, Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

Khai thuế, quyết toán thuế

...

e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:

e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.

...

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Công văn số 1568/TCT-DNNCN năm 2020 về việc khấu trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài do Tổng cục Thuế ban hành như sau:

"Căn cứ hướng dẫn nêu trên, người nước ngoài, là cá nhân cư trú tại Việt Nam, khai thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại nước ngoài theo quý, khai thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn phát sinh tại nước ngoài theo từng lần phát sinh theo quy định. Khi khai thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh tại nước ngoài, cá nhân gửi kèm theo các chứng từ trả thu nhập ở nước ngoài, chứng từ chứng minh đã nộp thuế ở nước ngoài để xác định thu nhập chịu thuế và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quy định của pháp luật."

Như vậy, về nguyên tắc nếu người lao động nước ngoài này được xác định là cá nhân cư trú; ngoài tiền lương nhận ở Việt Nam thì còn nhận thêm thu nhập ở nước ngoài và đã nộp thuế theo quy định của nước ngoài rồi thì sẽ được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài theo nguyên tắc quy định.

Thực tế, mình phải nộp kèm theo chứng từ trả thu nhập ở nước ngoài, chứng từ chứng minh đã nộp thuế ở nước ngoài để xác định thu nhập chịu thuế và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với cá nhân có thu nhập ở nước ngoài.

Còn để thực hiện chính xác nhất phải tuỳ thuộc vào cơ quan thuế quản lý họ yêu cầu cung cấp những giấy tờ gì chứng minh chứ về mặt quy định chung là không có nêu cụ thể.

Cách tính thuế thu nhập đối với người lao động nước ngoài có thu nhập hai nơi thế nào?

Cách tính thuế thu nhập đối với người lao động nước ngoài có thu nhập hai nơi căn cứ theo điểm b, khoản 1, Điều 25, Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

 Khấu trừ thuế

Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau:

...

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.

...

b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế).

...

Như vậy, về nguyên tắc nếu người lao động nước ngoài này được xác định là cá nhân cư trú; người lao động nước ngoài có thu nhập từ hai nơi và ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tính thuế thu nhập cá nhân theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại khoản 1, Điều 21, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi bởi khoản 5, Điều 1, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012).

Thái Yến ghi
#