Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm gì khi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động?

- Thứ Tư, 24/04/2024, 08:35 - Chia sẻ

Xin hỏi, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm gì khi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động?– Câu hỏi của bạn Xuân Tùng (Hà Tĩnh).

Không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt như thế nào? -0
Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hay không?

Căn cứ quy định Điều 21, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1, Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

...

Như vậy, theo quy định thì hằng năm người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thực hiện khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động.

Riêng đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Doanh nghiệp không thực hiện khám sức khỏe định kỳ với người lao động bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ quy định khoản 2, Điều 22, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Điều 22. Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

...

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

...

Như vậy, theo quy định thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ với người lao động.

Doanh nghiệp không thực hiện không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi người lao động và tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP).

Lao động thử việc có được khám sức khỏe định kỳ không?

Căn cứ quy định Điều 2, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về đối tượng áp dụng như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

4. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

5. Người sử dụng lao động.

6. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Căn cứ quy định Điều 21, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1, Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

...

Như vậy, trên nguyên tắc thì người thử việc vẫn được áp dụng các quyền như là quyền đối với người lao động chính thức.

Do đó, lao động thử việc vẫn có thể được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ.

Thái Yến ghi
#