Gần 50 bộ, địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công

- Thứ Tư, 03/11/2021, 06:35 - Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện còn 22 bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 10 mới đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
	Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để hỗ trợ giải ngân đầu tư công. Ảnh: Sơn Ca
Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai đẩy mạnh giao dịch trực tuyến để hỗ trợ giải ngân đầu tư công.
Ảnh: Sơn Ca

Còn 6,81% kế hoạch vốn chưa được phân bổ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay số vốn đầu tư công đã được phân bổ là trên 429,8 nghìn tỷ đồng, đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng giao (461,3 nghìn tỷ đồng). Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết còn trên 31,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,81% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước còn gần 24 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài nước còn gần 7.357 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, hiện còn 22 bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao. Trong đó có một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 70%) như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,77%), Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (82,16%), Bộ Y tế (74,30%), Bộ Công thương (61,98%), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (52,77%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (56,44%). Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, còn 13 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn như: An Giang còn 43,33%; Cao Bằng còn 33,22%; Cần Thơ còn 27,56%; TP. Hồ Chí Minh còn 24,44%...

Nguyên nhân của tình trạng này là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021 (các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021). Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm). Một số bộ, ngành, địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2021 do không có nhu cầu sử dụng, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao.

Kho bạc đôn đốc giải ngân đầu tư công

Thời gian qua, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước có nhiều văn bản đôn đốc hệ thống kho bạc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ; không để tồn đọng hồ sơ thanh toán tại kho bạc mà không rõ lý do. Bên cạnh kiểm soát chi đúng quy định pháp luật, nắm bắt và kịp thời giải quyết vướng mắc của các dự án, hệ thống kho bạc chủ động đôn đốc chủ đầu tư có khối lượng đến đâu làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay tới đó và gửi kho bạc để kịp thời giải ngân.

Giải ngân cả năm ước đạt 76%

Tình trạng phân bổ vốn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án. Theo số liệu của Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư công năm 2021 ước thanh toán đến hết tháng 10 là trên 257,3 nghìn tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,25%). Trong đó, vốn trong nước đạt 52,41% (cùng kỳ năm 2020 là 72,75%); vốn nước ngoài đạt 15,29% (cùng kỳ năm 2020 đạt 30,15%).

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chính phủ cho biết ước giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 76% kế hoạch Quốc hội quyết định, không hoàn thành mục tiêu đặt ra (giải ngân 95%), trong đó vốn ngân sách trung ương năm 2021 chỉ đạt khoảng 65,1% kế hoạch. Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với diễn biến tình hình kiểm soát dịch bệnh còn nhiều khó khăn cùng với nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn tạo sự đồng bộ, thống nhất trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, đôn đốc thúc đẩy tiến độ đầu tư, kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có khả năng giải ngân cao để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng cuối năm, Bộ Tài chính đang kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thành giao vốn chi tiết cho các dự án khởi công mới năm 2021. Bộ cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân nhóm đối tượng, phân tích rõ các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân thấp do các nguyên nhân khách quan để có đề xuất phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị này có vốn triển khai dự án trong giai đoạn cuối năm. Song song đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Vy Hương