Đối tác quan trọng hàng đầu
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Trải qua chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 – 2020), 9 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược (2011 – 2020), hợp tác Việt Nam – Đức đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục đào tạo,… Trong tổng thể quan hệ Việt – Đức, hợp tác kinh tế thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong nhiều năm, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, kim ngạch thương mại hai nước những năm gần đây tăng trưởng bình quân trên 10%/năm và đã đạt trên 10 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Đức là một trong những cửa ngõ chính giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU với 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU được tiến hành thông qua thị trường Đức. Đồng thời, Việt Nam cũng là cầu nối để hàng hóa “Made in Germany” (Sản xuất tại Đức) thâm nhập thị trường ASEAN.
Về đầu tư, Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng giá trị vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, 300 doanh nghiệp và hơn 360 dự án đầu tư tại Việt Nam ở các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thông minh,… có tổng giá trị vốn đầu tư vào khoảng hơn 2 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN và MT) Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2020 đánh dấu mốc son 45 thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đức. Xuyên suốt chặng đường này, cùng với các lĩnh vực khác của đất nước, Bộ TN và MT đã thiết lập quan hệ và triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức đồng nhiệm của CHLB Đức trong lĩnh vực quản lý nhà nước như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên nước. Các hoạt động hợp tác này đã được thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ CHLB Đức và nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.
EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng
Có thể thấy rằng hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Đức đã có những bước tăng trưởng rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Doãn Hoàng Minh cho biết, kim ngạch thương mại trao đổi tăng rất ổn định hàng năm. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn khoảng 6,5 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 44 đối tác xuất khẩu hàng hóa của Đức, thứ 78 trong số các nước nhập khẩu hàng hóa của Đức. Tuy nhiên sự phát triển này nhìn chung còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức sụt giảm 1,24% trong tháng 9.2020 và giảm 0,29% trong 9 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – EU nói chung, Việt Nam – Đức nói riêng.
Về cơ hội xuất khẩu vào thị trường Đức thời gian tới, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng đầu của Việt Nam được giảm và miễn thuế hoàn toàn. Cụ thể, tỷ lệ dòng thuế EU xóa bỏ ngay cho mặt hàng đồ gỗ là 100%, điện tử là 90%, giày dép là 59,8%, dệt may là 43,1%. Bà Trang cũng đưa ra dự báo trong 7 năm tới, thuế quan sẽ về 0% đối với tất cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu trung bình từ Đức giai đoạn 2015 – 2019 cũng cho thấy nhu cầu của thị trường Việt Nam đối với các mặt hàng của Đức rất cao, chủ yếu là máy móc thiết bị chính xác, hóa chất, xăng, gas,… Với cơ hội về thuế quan từ hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể nhập khẩu hàng của Đức vào Việt Nam với một ưu thế rất lớn. Và trong bối cảnh như vậy, Đức là một nhân tố hàng đầu trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng hoạt động xuất, nhập khẩu và đặc biệt là hợp tác đầu tư thì đây chính là cơ hội để Việt Nam tham gia vào những chuỗi giá trị mà Đức đang có những đóng góp lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, ước tính EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng lên khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết trong EVFTA sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng ngày càng thông thoáng, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp từ EU và Đức mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam. Các khuôn khổ hợp tác chất lượng cao như EVFTA là cơ hội để Việt Nam cùng với Đức và các đối tác EU thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế thương mại, góp phần tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Ông Dũng tin tưởng các doanh nghiệp EU và Đức sẽ tận dụng EVFTA để tăng cường hiện diện tại thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao và hội nhập liên kết quốc tế mạnh mẽ. Qua đó góp phần hơn nữa hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Đức cũng như sự phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN và EU.