EU lên kế hoạch xây dựng lực lượng phản ứng nhanh

- Thứ Sáu, 07/05/2021, 00:54 - Chia sẻ
Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận đề xuất thành lập lực lượng phản ứng nhanh, để có thể sớm can thiệp vào các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết, khối nên thành lập một lữ đoàn gồm 5.000 binh sĩ cho các nhiệm vụ phản ứng nhanh, gồm cả trên bộ và trên không, thậm chí trên biển. Điều EU hướng đến là khả năng triển khai nhanh lực lượng này tới nơi cần, nhằm hỗ trợ chính phủ các quốc gia một cách hợp pháp. Bộ trưởng quốc phòng các nước EU chuẩn bị thảo luận ý tưởng này trong cuộc họp chủ trì bởi Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell, người ủng hộ khối can thiệp nhiều hơn vào tình hình quốc tế.

Kế hoạch trên được kỳ vọng thúc đẩy năng lực phòng vệ của EU và hiện đã nhận được sự ủng hộ của ít nhất 14 trong tổng số 27 thành viên, gồm Áo, Bỉ, Cyprus, Cộng hòa Czech, Đức, Hy Lạp, Pháp, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha. Đây cũng là một phần trong quá trình rà soát chiến lược tổng thể của tổ chức này thời gian tới. Theo quan chức trên, lực lượng phản ứng nhanh có thể trở thành "hạt nhân" cho lực lượng khác trong tương lai, nhưng ông cũng nhấn mạnh, quá trình thảo luận mới chỉ bắt đầu và điều cần làm bây giờ là đạt được sự đồng thuận về ý tưởng.

Ý tưởng này được thảo luận lần đầu năm 1999, và đến năm 2007, EU đã thiết lập hệ thống sẵn sàng chiến đấu gồm 1.500 nhân sự để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, nhưng lực lượng này chưa bao giờ được sử dụng. Các nhóm chiến đấu này giờ đây có thể hình thành cơ sở cho cơ chế được gọi là Lực lượng phản ứng nhanh, như một phần của động lực mới hướng tới tăng cường khả năng quân sự của EU.

Từ năm 2021, khối có ngân sách chung để phát triển vũ khí, đồng thời vạch ra học thuyết quân sự cho năm 2022 và lần đầu tiên nêu chi tiết về điểm yếu quân sự của khối. Với sức mạnh kinh tế của mình, khối có thể tự hào về "quyền lực mềm" để tạo ra tầm ảnh hưởng thông qua thương mại và viện trợ, nhưng lại hạn chế về các nhiệm vụ quân sự trên khắp thế giới.

Nguồn: Reuters

Theo truyền thống, các nước EU dựa vào NATO do Mỹ lãnh đạo để hành động quân sự, tuy nhiên ngay cả khi NATO vẫn cam kết bảo vệ châu Âu, các tổng thống kế nhiệm của Mỹ đã yêu cầu EU phải làm nhiều hơn nữa vì an ninh của chính mình, đặc biệt ở biên giới. Bên cạnh đó, việc Anh rời EU cũng tạo ra sự cấp thiết mới cho tham vọng của khối, song cũng giúp EU giải phóng khỏi những ràng buộc mà chính phủ Anh đã đặt ra đối với sự phát triển quốc phòng của EU.

Như Ý