Đừng quá kỳ vọng vào GDP!

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 07:30 - Chia sẻ

Việt Nam vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện về phát triển chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một trong những thông điệp chính Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Bền vững Việt Nam diễn ra trong tuần này. Cũng trong diễn đàn, các chuyên gia ghi nhận những kết quả ấn tượng Việt Nam đạt được, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những số liệu còn rất mực khiêm tốn về tính hiệu quả khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu mà các chuyên gia công bố tại đây cho thấy, thách thức và khối lượng công việc cần làm để cải thiện chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, vượt bẫy thu nhập trung bình là vô cùng lớn lao.

Có 2 chỉ số cho thấy hiệu quả trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam được bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á, Thái Bình Dương dẫn ra. Thứ nhất, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines). Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, xếp thứ 55/174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD và xếp thứ 34. Thứ 2, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam là chế biến chế tạo ở mức hạn chế và cần tiến lên trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất.

Nhất quán với đánh giá của bà Kwakwa, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam chỉ rõ cụ thể các điểm yếu của Việt Nam, như mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị là thấp và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Nếu so sánh chỉ bằng 1/2 Trung Quốc về mức độ nội địa hóa và phụ thuộc quá lớn vào một số nhóm sản phẩm (dệt may, điện tử, hóa chất, kim loại, chiếm đến 2/3 kim ngạch thương mại), vào 4 thị trường thị lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ) và vào 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic).

Những con số cụ thể và đánh giá sát thực này cũng nhất quán với những nhận định trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế. Trong đó bày tỏ lạc quan với những điểm sáng của nền kinh tế nhưng đi kèm là sự thận trọng bởi những thách thức đến từ những yếu tố nền tảng như chất lượng lao động; năng lực khối doanh nghiệp trong nước vẫn là những hạn chế không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Dù vậy, một quan điểm phát triển mà ngay tại diễn đàn, cũng như các thảo luận trong nước gần đây đều đồng thuận, đó nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao hiệu quả và chất lượng của nền kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn mà cả về dài hạn. Nói cách khác, đã đến lúc cần chuyển trọng tâm từ phát triển về “lượng” sang “chất”. Cụ thể hơn, cần giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP cao bằng mọi giá (đặc biệt thông qua công cụ tăng đầu tư, qua nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ). Thay vào đó, ưu tiên những vấn đề về đào tạo và chuẩn bị kỹ năng cho lực lượng lao động; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và ưu tiên thị trường trong nước; chú trọng đến các yếu tố tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dư địa cho phát triển của Việt Nam vẫn còn lớn và sự lạc quan cho xu thế dài hạn là hiện hữu. Tuy nhiên, các triết lý và quan điểm phát triển cần phải định hình lại ngay từ bây giờ.

Hà Lan