Đừng coi khoa học công nghệ như một ốc đảo

- Thứ Bảy, 04/05/2013, 08:27 - Chia sẻ
Tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng về đánh giá tình hình hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh năm 2012 - 2013, phương hướng hoạt động năm 2014 mới đây, Thứ trưởng Bộ KH – CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Cao Bằng cần hướng tới mục tiêu dùng KHCN để phát triển KT - XH một cách ổn định bền vững chứ không phải dùng các thế mạnh sẵn có trên địa bàn; đừng coi KHCN như một ốc đảo đứng riêng biệt.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, hoạt động KHCN của tỉnh trong những năm qua đã bám sát các chương trình, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh; các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN luôn gắn liền với sản xuất, đời sống, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển chung KT - XH của tỉnh. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai luôn bám sát các chương trình trọng tâm, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh; khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ quan trọng trong việc xây dựng các chủ trương, đề án phát triển KT - XH; các nghiên cứu về lịch sử đã có những đóng góp quan trọng, làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Cao Bằng qua các thời kỳ; khoa học kỹ thuật và công nghệ đã góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực cũng như lợi thế của địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh; công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra KHCN, thông tin KHCN, phát triển tiềm lực KHCN từng bước được đổi mới và nâng cao theo hướng có trọng tâm.

Năm 2012 - 2013, tỉnh tập trung nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ KHCN tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó, nhiều đề tài, dự án được đánh giá cao, điển hình như các đề tài, dự án: Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì (Hòa An); Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc và giống Pì Pất (Hòa An); Xây dựng mô hình trồng và chế biến chè chất lượng cao tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình); Dự án sản xuất miến dong chất lượng cao tại Nà Lèng, huyện Nguyên Bình.


Mô hình trồng chè chất lượng cao tại Phja Đén, huyện Nguyên Bình
Mặc dù KHCN đã tạo ra những chuyển biến tích cực, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH trên điạ bàn tỉnh… nhưng theo Phó giám đốc Sở KHCN Cao Bằng Nông Hồng Môn thì Cao Bằng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế, cụ thể như: nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN hằng năm chưa đến 1% so với tổng chi ngân sách của tỉnh, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2013 còn chậm; công tác chuyển giao ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số ít người còn gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của KHCN ở một số bộ phận chưa đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức. Chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN nhìn chung còn thấp, thiếu những cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Hệ thống cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động KHCN trong tỉnh vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện…

Để hoạt động KHCN thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Eng đề xuất Bộ KH - CN cần phối hợp với UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KHCN, hỗ trợ việc chuyển giao, ứng dụng KHCN trong nông, lâm nghiệp nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động KHCN cấp huyện,…

Chia sẻ với tỉnh Cao Bằng, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Cao Bằng là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm nhiều mặt hàng chưa trở thành thương hiệu có tính chất hàng hóa. Vì vậy Cao Bằng cần hướng tới mục tiêu dùng KHCN để phát triển KT - XH một cách ổn định bền vững chứ không phải dùng cái sẵn có trên địa bàn hoặc dùng các thế mạnh từ trước tới giờ các doanh nghiệp dùng như tài nguyên, đất đai hay nguồn nhân công giá rẻ… Thứ trưởng nhấn mạnh, ngoài việc thay đổi mạnh mẽ về nhận thức vai trò của KHCN đối với phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh thì việc quan trọng và cần thiết là phải hành động để mọi người nhìn thấy KHCN thực sự đi vào đời sống và giúp phát triển KT - XH trên địa bàn.

Trao đổi về định hướng phát triển KHCN của địa phương trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng: Cao Bằng cần tiếp thu và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó nhấn mạnh ba điểm đổi mới căn bản đó là đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư cho KHCN, cơ chế tài chính cho KHCN và cơ chế trọng dụng sử dụng cán bộ KHCN.

Theo Thứ trưởng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực KHCN, hoạt động của các tổ chức KHCN, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng KHCN phát triển. Bên cạnh đó các sở, ban, ngành của tỉnh cũng cần phối hợp, quan tâm đến lĩnh vực KHCN nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương thành sản xuất hàng hóa có giá trị trên thị trường, nhanh chóng lựa chọn, phát hiện và ứng dụng các kết quả nghiên cứu trên địa bàn,… Có như vậy nhiệm vụ phát triển KHCN phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh mới hướng tới mục tiêu ổn định và bền vững.

Diệu Huyền