Trung Quốc kiểm tra thực địa trong tháng 8
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dừa lớn thứ 4 châu Á - Thái Bình Dương. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm ngoái, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Bước sang năm 2023, Trung Quốc mở cửa lại thị trường sau đại dịch, đồng thời tăng mua sản phẩm này từ quý II. Vì vậy, Hiệp hội Dừa Việt Nam kỳ vọng năm nay ngành dừa có thể cán đích tỷ USD. Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa cho biết, Trung Quốc có nhu cầu cao với mặt hàng dừa tươi và hiện mong muốn kết nối, thúc đẩy nhập khẩu dừa Việt theo đường chính ngạch.
Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đàm phán kỹ thuật với phía Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch dừa tươi vào thị trường này. Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi. Kết quả kiểm tra là căn cứ để ký Nghị định thư, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc.
Theo tin từ Cục Bảo vệ thực vật, đợt kiểm tra dự kiến vào giữa tháng 8 tới. Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu (bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ); quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;…
Chuẩn bị tốt các nội dung kiểm tra
Tuần trước, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố chuẩn bị tốt các nội dung kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hoặc cơ quan chuyên môn của địa phương bố trí nguồn lực sẵn sàng để phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong quá trình triển khai việc kiểm tra. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến; chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đợt kiểm tra này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là căn cứ để ký Nghị định thư, mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc. Mỗi năm, Trung Quốc có nhu cầu sử dụng 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Trong khi đó, đảo Hải Nam, nơi cung cấp dừa chính của Trung Quốc, chỉ cung ứng được 250 triệu trái/năm. Vì vậy, Trung Quốc cần nhập khẩu lượng lớn dừa tươi nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, theo số liệu của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, nước ta có 194,2 nghìn hecta dừa, đứng thứ tư trong số các cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, sau cao su, hồ tiêu, điều; sản lượng khoảng 1,9 triệu tấn trái. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 88,1% diện tích dừa cả nước, với khoảng 171 nghìn hecta, tập trung tại Bến Tre hơn 78 nghìn hecta, Trà Vinh hơn 26 nghìn hecta, Tiền Giang hơn 21,6 nghìn hecta, Vĩnh Long hơn 10,5 nghìn hecta.
Trong bối cảnh như vậy, Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi nước ta sang thị trường tỷ dân, góp phần nâng thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất dừa trong nước chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Hơn một tháng qua, giá thu mua trái dừa tươi tại Bến Tre giảm sâu, hơn 50% so với trước. Hiện loại dừa xiêm xanh mua xô có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/chục (12 trái); các loại giống dừa tươi khác có giá thu mua xô từ 25.000 - 35.000 đồng/chục. Đây là mức giá thấp nhất trong hơn hai năm qua. Theo các thương lái, hiện nay dừa tươi chủ yếu tiêu thụ trong nước; năng suất dừa hiện nay tăng cao do vào vụ mùa nên nguồn cung dồi dào làm cho giá dừa xuống thấp. Chính vì vậy, bà con trồng dừa đang rất kỳ vọng vào việc mở cửa thị trường Trung Quốc để có đầu ra ổn định cho trái dừa.