Dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh

Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương

- Thứ Tư, 28/02/2024, 06:45 - Chia sẻ

Tờ trình dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ đề nghị phân cấp quản lý nhà nước cho TP. Hồ Chí Minh với 9 nhóm ngành, lĩnh vực. Việc phân cấp quản lý nhà nước cho TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết, tránh tình trạng xin - cho, nhằm phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Cơ chế riêng đã bị “chật”

Thực tế cho thấy, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng bởi là trung tâm lớn, có vai trò quan trọng, TP. Hồ Chí Minh đã được Chính phủ đẩy mạnh phân cấp riêng cho thành phố trên một số lĩnh vực tại Nghị định số 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh.

Qua quá trình thực hiện Nghị định số 93/2001/NĐ-CP đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, giúp đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố. Mặt khác, giúp khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố, một đô thị đặc biệt đối cả nước và khu vực.

,Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương
Nguồn: TTXVN

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau gần 20 năm thực hiện, Nghị định số 93/2001/NĐ-CP một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những bất cập. Nhiều nội dung về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh tại Nghị định số 93/2001/NĐ-CP đến nay đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như luật, nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Do đó, nhiều nội dung về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và cũng không còn phù hợp thực tiễn để tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển.

Do đó, để nhằm tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố, để thành phố phát triển, tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP là cần thiết, giúp cho thành phố được chủ động, phát huy thế mạnh của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, đô thị đặc biệt của thành phố.

9 nhóm ngành, lĩnh vực được đề nghị phân cấp cho chính quyền thành phố

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Nội vụ xây dựng đề xuất phân cấp cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh trên 9 nhóm ngành, lĩnh vực.

Thứ nhất, trong quản lý nhà nước về đầu tư, TP. Hồ Chí Minh được quyết định cập nhật bổ sung Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư mới phát sinh theo xu thế phát triển công nghệ của thế giới và từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội…

Thứ hai, trong quản lý về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước, thành phố được quyết định các chế độ chi tiền công, phụ cấp ngoài chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố, ngân sách trung ương không hỗ trợ, mà không phải lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Thành phố được ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách phù hợp điều kiện (trừ định mức sử dụng xe ô tô công). Thành phố được cấp và điều chỉnh giấy phép lập cơ sở bán lẻ mà không cần lấy ý kiến Bộ Công thương…

Thứ ba, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường, Bộ Nội vụ đề xuất TP. Hồ Chí Minh quyết định quy mô dân số tại các dự án nhà ở xã hội bảo đảm phù hợp, tương ứng với chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng tăng thêm. Thành phố được cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng…

Thứ tư, về quản lý nhà nước về giao thông vận tải, UBND TP. Hồ Chí Minh có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa Quốc gia thuộc địa giới hành chính thành phố.

Thứ năm, trong quản lý về y tế, dự thảo Nghị định đề xuất giao cơ quan chuyên môn cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt trên địa bàn, phát sinh trong quá trình khám, chữa bệnh đối với một số nhóm thuốc quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.

Thứ sáu, trong quản lý về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, thành phố được phát hành tài liệu giáo dục địa phương (khi chưa có cơ chế in ấn phát hành tài liệu giáo dục địa phương); xây dựng thí điểm các mô hình trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương (khi chưa có những quy định cụ thể).

Thứ bảy, trong quản lý về lao động, thành phố được thực hiện chấp thuận giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với các trường hợp tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn.

Thứ tám, với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ Nội vụ đề xuất, thành phố được cấp, thu hồi giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn; cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao…

Thứ chín, trong quản lý nhà nước về nội vụ, Bộ Nội vụ đề xuất cho phép TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, đảm bảo phù hợp với đặc thù địa phương, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có; quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập…

Về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2023. Theo đó, Quốc hội đã quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố. Do đó, cần sớm ban hành Nghị định để triển khai các chính sách đặc thù cho thành phố.

Việc phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn, tạo sự chủ động cho địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cũng không phải dễ dàng, vì liên quan đến việc “xin - cho”, đến vấn đề lợi ích. Phân cấp cũng đồng nghĩa với việc cắt bỏ một số quyền của cấp trên để giao cho địa phương. Và việc xây dựng nghị định này phải thể hiện được sự phân cấp triệt để cho thành phố. Cơ chế đặc thù phải tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong các quyết định. Như nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói, phải bãi bỏ tình trạng giao thẩm quyền, phân cấp cho địa phương rồi nhưng vẫn phải xin ý kiến trước khi quyết định, gây mất nhiều thời gian, cơ hội.

Song Hà
#