Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

"Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng!"

- Thứ Năm, 27/10/2022, 06:14 - Chia sẻ

Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng. Và thực tế, kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện rõ như số vốn đăng ký, số doanh nghiệp thành lập mới, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nhiều ngành chịu ảnh hưởng nặng nề… Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Tạo đà quan trọng cho sự phục hồi kinh tế

- Theo ông, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) đóng vai trò như thế nào với sự phục hồi kinh tế - xã hội ?

Anh Đậu Anh Tuấn

​​​​Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết 43 ngay trong tháng đầu năm của năm 2022, trước kỳ nghỉ Tết âm lịch. Quá trình xây dựng, thảo luận chương trình hỗ trợ phục hồi này được thực hiện rất khẩn trương, rất quyết liệt ngay trong giai đoạn chống dịch cuối năm 2021.

Quốc hội đã phải triệu tập một kỳ họp đặc biệt, chưa có tiền lệ, để thảo luận và thông qua Nghị quyết 43. Điều này thể hiện sự gấp gáp, tính ưu tiên rất cao. Thế nhưng rõ ràng qua giai đoạn vừa qua, như trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra thì việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai một số chính sách còn chậm, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách chưa được như kỳ vọng.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn

- Có thể khẳng định Nghị quyết 43 rất quan trọng, tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022 và năm 2023.

Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, lắm khó khăn nhưng với ước tính tốc độ tăng trưởng cả năm đạt trên 8%, Việt Nam chắc chắn nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Năm nay dù mới ra khỏi dịch bệnh nhưng những con số rất tích cực như thu ngân sách tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động đạt con số kỷ lục, một số ngành nghề chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã có dấu hiệu phục hồi trở lại như du lịch, lữ hành, dịch vụ… 

Sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành hàng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp có đóng góp rất lớn từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi.

- Từ phản ánh của doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ nào của Nghị quyết 43 có tác động mạnh mẽ nhất, thưa ông?

- Có lẽ nhóm chính sách về miễn, giảm thuế phí được thực hiện một cách sớm nhất, tích cực nhất và đạt được mục tiêu tốt nhất. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 43 là chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác. 

Theo báo cáo của Chính phủ thì tính đến hết hết tháng 9.2022, khoản thuế, phí được miễn này là hơn 39,4 nghìn tỷ đồng. Chính sách này được doanh nghiệp đánh giá là thực sự đi nhanh vào cuộc sống, có ý nghĩa tích cực trong tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm giá, hạn chế lạm phát.

Điều này cũng cho chúng ta một kinh nghiệm rằng những chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí có thể thực hiện được ngay, không cần bộ máy tổ chức thực hiện, không cần nỗ lực đốc thúc thực hiện và vẫn đi được nhanh vào thực tiễn, có hiệu ứng cao, công bằng với mọi đối tượng, chi phí triển khai thực hiện thấp.

- Đánh giá Nghị quyết 43 có lẽ không chỉ dừng ở tác động trực tiếp là những con số về tăng trưởng mà có cả những tác động gián tiếp, thưa ông?

- Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng. Và thực tế, sau 9 tháng triển khai, kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện rõ giai đoạn vừa qua như số vốn đăng ký, số doanh nghiệp thành lập mới, sự trở lại hoạt động, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nhiều ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như trên tôi đã đề cập.

Cân nhắc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm 2023

- Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực song thống kê cho thấy, đến hết tháng 9.2022 mới giải ngân được khoảng 20% tổng gói hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thực ra đây là một điều đáng tiếc vì giai đoạn năm 2022, đặc biệt là đầu năm 2022 nếu chương trình thực hiện được nhanh, sớm thì hiệu ứng cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho người dân sẽ tốt hơn nữa. Giai đoạn vừa qua là lý tưởng để hỗ trợ phục hồi. Giống như cơ thể con người sau cơn ốm nặng cần phải dưỡng sức, bồi bổ kịp thời, một liều lượng hỗ trợ có thể không nhiều nhưng hiệu ứng lại rất cao. Cùng chương trình hỗ trợ như vậy nhưng để sau một thời gian lại không mang lại nhiều tác dụng. Dân gian có câu là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vì thế.

Tôi lấy ví dụ như chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại nếu thực hiện sớm hơn, tốt hơn thì chắc nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội để mở rộng quy mô, quay trở lại quỹ đạo phát triển tốc độ cao một cách kịp thời hơn. Chứ như bối cảnh hiện nay thì mặt bằng lãi suất ngân hàng đang tăng quá cao, cao hơn giai đoạn trước 3 - 4% thì hiệu ứng của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% sẽ giảm đi rất nhiều.

Những chương trình an sinh xã hội khác cũng vậy, thời điểm thực hiện rất quan trọng; chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân giai đoạn công nhân bắt đầu trở lại các trung tâm kinh tế sau dịch bệnh sẽ rất khác giai đoạn hiện nay. 

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Chương trình hỗ trợ, phục hồi được thực hiện nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, kịp thời hơn nữa. Theo tôi, dường như chưa có sự "đồng tốc" giữa ban hành chính sách và thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi, chưa có sự đồng đều trong các cơ quan, các ngành khi thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi này. Có những chính sách được ban hành rất nhanh, đi vào cuộc sống ngay, nhưng có những chính sách phải mất nhiều tháng mới ban hành và khá lâu sau mới đi vào thực hiện. 

- Bối cảnh hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43. Vậy có nên xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, thưa ông?

- Thực ra hiện nay dù tác động của dịch bệnh Covid-19 một cách trực tiếp đã giảm đi rất nhiều nhưng các doanh nghiệp và nền kinh tế lại đang đối mặt với những tác động khác cũng rất nghiêm trọng.

Chẳng hạn giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu, giá cước vận tải biển tăng quá cao; những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tăng cao tại các nước; xung đột quân sự diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hay những tháng gần đây với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì tỷ giá giữa đồng USD với VND hay nhiều đồng tiền khác đã thay đổi và biến động rất lớn khiến hoạt động kinh doanh cực kỳ khó khăn và đầy rủi ro.

Đã có những tín hiệu không lạc quan về triển vọng kinh doanh trong năm 2023. Chính vì thế những chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua rất cần được đánh giá, tổng kết lại và tiếp tục tăng cường trong giai đoạn sắp đến.

- Cụ thể, ông sẽ gợi mở gì về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tới đây?

- Có lẽ Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục gia hạn giảm thuế VAT 2% đã thực hiện trong năm 2022 sang năm 2023, thay vì chỉ thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết 43.

Lý do đầu tiên là người dân và doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Thứ hai, hiệu quả thực hiện chương trình này trong năm 2022 rất tốt, rất nhanh, diện rất rộng. Thứ ba, ngân sách nhà nước trong năm 2022 vừa rồi dù giảm thuế nhưng vẫn tăng tốt nên rất phù hợp khi Nhà nước tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Thứ tư, việc giảm thuế này sẽ đóng góp tích cực vào việc giảm lạm phát vốn có áp lực rất cao. Và cuối cùng, việc giảm thuế ở đây có thể là giảm để tăng, vì giảm thuế có hiệu ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, qua đó giúp tăng thu ngân sách. Kết quả thu ngân sách năm 2022 vừa rồi vượt dự toán phần nào có thể là chỉ báo cho điều này.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện