Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII

Tạo điều kiện, cơ hội để trí thức phát triển nghề nghiệp và đóng góp cho đất nước

- Chủ Nhật, 15/10/2023, 15:09 - Chia sẻ

Tại Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà. Đánh giá cao quyết đáp này của Trung ương, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục BÙI HOÀI SƠN nhấn mạnh, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại mới là chủ trương rất đúng đắn và cần sớm cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn cho đất nước. 

Đội ngũ trí thức - nguồn lực quan trọng của đất nước

- Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Ông suy nghĩ như thế nào về quyết đáp này?

- Việc ban hành một Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà là một chủ trương rất đúng đắn. Chúng ta đang sống trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, bất kỳ quốc gia nào không quan tâm đầy đủ đến tri thức, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng tụt hậu. Đây là một trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã từng nhận diện và cảnh báo. Tập trung cho khoa học, công nghệ chính là cách tạo ra đột phá cho sự phát triển của đất nước hiện tại, cũng như những giai đoạn sắp tới.

Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức giúp chúng ta khẳng định rõ ràng hơn: Khoa học và công nghệ là động lực chính cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Để đổi mới và tạo ra các giải pháp mới, cần có đội ngũ trí thức với kiến thức và kỹ năng đầy đủ để nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn

Nghị quyết mới lần này cũng giúp giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó những thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, năng lượng và tài nguyên bị cạn kiệt đang đòi hỏi sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia có kiến thức sâu rộng. Đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả cho những vấn đề này.

Cùng với đó, do khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia nên đội ngũ trí thức trình độ cao sẽ giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng, phát triển các công nghệ cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Nghị quyết mới cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đất nước. Trong thế giới hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng thể hiện ở tính kỹ thuật và phức tạp hơn. Các quốc gia và doanh nghiệp phụ thuộc vào tri thức để duy trì và tăng trưởng kinh tế. Kinh tế sáng tạo đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, đóng góp nhiều nhất cho nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này, và đội ngũ các trí thức chính là nguồn lực quan trọng của đất nước.

Nghị quyết mới về đội ngũ trí thức còn giúp nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ trong xã hội. Bởi đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và giúp mọi người hiểu rõ về thế giới xung quanh. Đối với văn hóa chẳng hạn, trí thức trở thành một "bộ lọc" cho sự du nhập văn hóa từ bên ngoài, hạn chế tối đa những trào lưu văn hóa hời hợt, không phù hợp với những giá trị văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhiệm vụ của trí thức là “gạn đục khơi trong”, là hiểu biết đầy đủ để diễn đạt lại các giá trị chân chính qua các tập quán, nghi lễ, văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó bồi đắp, sáng tạo để hình thành nên văn hóa mới, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa tác động tích cực sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

- Khối liên minh "Công - Nông - Trí" được xác định là nền tảng, cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng, trong bối cảnh tình hình hiện nay, cũng có sự thay đổi nhất định, cần có sự cập nhật. Theo ông, đó là những thay đổi nào?

- Trong những bối cảnh cụ thể của lịch sử, chúng ta cần cập nhật cả nội dung và hình thức của các mối quan hệ để phát huy hơn nữa cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là khối liên minh Công - Nông - Trí.

Trí thức đã trở thành một phần quan trọng trong khối liên minh Công - Nông - Trí. Vai trò của họ không chỉ giới hạn trong việc cung cấp kiến thức, mà còn mở rộng đến việc tham gia quá trình đổi mới công nghiệp, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy việc cải thiện hình thức và phương thức giao tiếp và cộng tác giữa các thành viên trong liên minh. Sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và sự khuyến khích sáng tạo trong công nghiệp và nông nghiệp đã trở thành một phần quan trọng của liên minh này. Trí thức và công nhân đã tham gia vào việc phát triển và áp dụng công nghệ mới, làm cho nông nghiệp và công nghiệp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp bền vững dẫn đến nhu cầu sử dụng tài nguyên theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh hơn.

Những thay đổi này thể hiện sự phát triển của liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức ở Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, đồng thời phản ánh sự thích nghi với thách thức và cơ hội mới trong xã hội ngày nay.

Để ứng phó với những thay đổi đó, theo tôi, trong bối cảnh hiện tại, liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức có một số yêu cầu. Thứ nhất là, yêu cầu về xây dựng mục tiêu chung, ở đó cả khối liên minh Công - Nông - Trí  đều hướng về các mục tiêu chung của dân tộc như xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, phát triển bền vững, công bằng xã hội, và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Thứ hai là, yêu cầu về tăng cường giao lưu và chia sẻ kiến thức. Trí thức có khả năng đóng góp rất lớn trong việc nâng cao hiệu suất lao động, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, tạo ra giá trị gia tăng, trong đó có nông nghiệp và công nghiệp. Do đó, chúng ta cần thúc đẩy chia sẻ thông tin và kiến thức từ trí thức tới cộng đồng công nhân và nông dân để tạo ra sự hiểu biết, chia sẻ, đoàn kết nhiều hơn.

Thứ ba là, cần thay đổi trong hình thức và tổ chức hợp tác của liên minh Công - Nông - Trí để tạo ra các mô hình cộng tác mới, như giao tiếp trực tuyến, sự kiện và diễn đàn chia sẻ thông tin, sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác.

Đầu tư hơn nữa cho cải thiện chất lượng giáo dục giúp phát triển đội ngũ trí thức

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng đội ngũ trí thức đặt ra những yêu cầu như thế nào? 

- Có thể thấy, đất nước ta có truyền thống hiếu học, nhờ đó, việc quan tâm đến học hành, tri thức trở thành một động lực tự thân của mọi gia đình và toàn xã hội. Chúng ta được đánh giá là một dân tộc thông minh, có nhiều người tài. Sự hiện diện đáng tự hào của người Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế và các tổ chức khoa học, cơ quan quốc tế… là minh chứng cho nhận định này. Nền giáo dục Việt Nam luôn được xếp hạng cao ở các bậc học, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, coi là quốc sách hàng đầu cũng là cơ hội rất lớn cho việc đào tạo và phát triển trí thức.

Tuy vậy, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, từ nguồn lực đầu tư thực tế cho giáo dục, khoa học và công nghệ còn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công nghệ đa phần lạc hậu, chưa bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới đến chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nhiều trí thức, đặc biệt là các nhà nghiên cứu và chuyên gia giỏi, có thu nhập thấp so với mức lương trung bình ở các quốc gia phát triển hoặc ở khu vực ngoài Nhà nước, tạo áp lực khiến họ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài hoặc khu vực ngoài Nhà nước. Việc kết nối của đội ngũ trí thức Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng còn hạn chế.

Để xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong hiện tại, tương lai và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần đầu tư hơn nữa vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, từ trình độ tiểu học đến đại học và sau đại học; tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu bằng cách hỗ trợ dự án nghiên cứu, khuyến khích hợp tác giữa trí thức với doanh nghiệp; tạo điều kiện để trí thức có cơ hội phát triển nghề nghiệp, đóng góp cho đất nước bằng cách bảo đảm thu nhập hấp dẫn và tạo cơ hội tham gia vào quá trình quyết định, phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy việc kết nối với cộng đồng quốc tế, bằng cách hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ với các quốc gia khác.

- Theo ông, cần có những chính sách nào để thu hút, giữ chân nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức?

- Để phát triển, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đã có tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, theo tôi, cần tập trung thực hiện 5 giải pháp. 

Một là, tăng thu nhập và phúc lợi cho trí thức, qua việc bảo đảm mức lương và phúc lợi hấp dẫn cho trí thức, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, và y tế; cải thiện các chính sách thuế và bảo hiểm xã hội để giảm áp lực tài chính đối với trí thức.

Hai là, hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo qua việc cung cấp tài trợ và nguồn lực cho dự án nghiên cứu và sáng tạo, tạo điều kiện để trí thức có thể tham gia vào dự án và công việc nghiên cứu thông qua việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho nghiên cứu. 

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn và quy định thủ tục đơn giản hóa để khuyến khích trí thức tham gia vào doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển công nghệ. 

Bốn , tạo cơ hội cho trí thức làm việc và học hỏi tại các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức và cộng đồng khoa học quốc tế để thúc đẩy trao đổi kiến thức, kỹ thuật.

Năm là, xây dựng môi trường làm việc thân thiện và chất lượng để Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn cho nhân tài quốc tế và thu hút trí thức quốc tế trở về. Khuyến khích hơn nữa và đảm bảo rằng trí thức có tiếng nói trong quyết định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Xin cám ơn ông!

Thanh Hải thực hiện
#