Đủ tâm, đủ tầm!

- Thứ Bảy, 30/01/2021, 06:27 - Chia sẻ

Đại hội lần thứ XIII của Đảng dành 3 ngày để thảo luận, thống nhất về nhân sự đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ thấy tầm quan trọng của việc chọn 200 Ủy viên Trung ương, chọn lựa Ban Bí thư, Bộ Chính trị được Đảng ta chỉ đạo kỹ lưỡng, công phu và khoa học thế nào.

Sứ mệnh quốc gia, tương lai dân tộc rõ ràng đặt trên vai những người trúng cử Ủy viên Trung ương, những người được bầu vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đặc biệt là những cán bộ ưu tú, nổi trội, “đủ tâm, đủ tầm” đảm trách trách nhiệm trụ cột quốc gia.

Chưa bao giờ công tác nhân sự được Đảng ta chủ động lo sớm và thực hiện một cách khoa học, trí tuệ, công phu như nhiệm kỳ này. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã chủ động trong công tác nhân sự. Công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ là chỉ đạo nhất quán ngay từ khi làm quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ để đưa vào quy hoạch.

 Lắng nghe dư luận, rõ ràng chọn cán bộ cấp chiến lược không chỉ một mình Đảng chọn, Đảng làm, mà còn có cả “tiếng dân, lòng dân” trong đó. Tai mắt của Nhân dân luôn tinh tường và công bằng. Cán bộ nào tốt, xấu ra sao, mạnh, yếu thế nào dân biết hết. Thế nên, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, kiểm tra phải nhanh nhạy đổi mới công tác, đến với dân, lắng nghe dư luận mới hiểu xem quy hoạch cán bộ xây dựng cấp chiến lược đã chuẩn mực, đã trúng, đã đúng chưa? Vì sao cá nhân này người dân khen, tôn trọng và tin yêu, vì sao cá nhân ở tỉnh, thành kia dân lắc đầu, thiếu tin tưởng!

 Soi vào “tai mắt” của người dân để làm quy hoạch nhân sự, rất mừng Đảng ta đã có những quyết sách và phương pháp sàng lọc kỹ lưỡng, công phu hơn để có một danh sách trình ra Đại hội.

 Tham luận về xây dựng Đảng trên diễn đàn Đại hội những ngày qua, nhiều tiếng nói phản biện rất sắc sảo, nhiều hiến kế thông minh trong chọn người xứng đáng vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đó là kiên quyết không để sót người thực tài, thực tâm, nhưng cũng không để lọt những người chưa xứng đáng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ...”. Ủy viên Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị là những ai, là người thế nào đều được các đại biểu dự Đại hội nhìn nhận đánh giá công tâm, khách quan và trách nhiệm. Hồ sơ của từng ứng viên các đại biểu đọc kỹ, rồi soi chiếu thẳng vào con người thực, vào cả quá trình thực thi trọng trách, để nhìn rõ trong nhiệm kỳ qua ưu, khuyết ra sao, có gì nổi trội, có gì là dấu ấn?

Trên hết vẫn là phẩm chất đạo đức chính trị, là lập trường kiên định, là tuân thủ đường lối kỷ cương, là trí tuệ tài năng trong xử lý các tình huống của trọng trách được trao. Dứt khoát không có chỗ cho những ai “mỏng đức, kém tài”, cơ hội nhăm nhắm vụ lợi riêng. Càng không có chỗ cho những ai nhụt chí, né tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể khi sai phạm khuyết điểm. Không thể chấp nhận ai đó khi có khuyết điểm thì tìm mọi cách giấu, khi có chút thành tích lại thổi phồng lên: Làm được 1 nói thành 5, thành 10 để đánh bóng tên tuổi!

 Đất nước nhìn về tương lai rất sáng láng. Nhưng thách thức, khó khăn kéo theo cũng không hề nhỏ! Rõ ràng Đảng ta đang rất cần một đội ngũ “công bộc” xứng tầm. Hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, các “tư lệnh” bộ, ngành không thể không phóng tầm mắt xa hơn. Nhìn ra thế giới học hỏi cái gì. Nhìn vào nội lực phải biết khơi dậy tiềm năng và trí tuệ sức dân ra sao để xây dựng chính sách cho trúng?

Với các Ủy viên Trung ương được chọn bầu để giữ vị trí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố thì đòi hỏi cả cách nghĩ, tầm nhìn và phương pháp tổ chức thực hiện. Không chỉ nói hay, mà không làm. Càng không thể duy tình “o bế” cho người nhà ghế nọ, quyền kia, hoặc che chắn, bợ đỡ cho các doanh nghiệp thân hữu trong mở các dự án, trong tiêu tiền ngân sách.

Nói đạo đức công bộc, tài năng công bộc không thể những ngôn từ sách vở hào nhoáng màu mè, mà phải đo bằng “thước đo” từ hiệu quả thế nào? Đảng cần những “công bộc” trong đội ngũ cấp chiến lược luôn đi đầu, tiên phong khi kinh tế số đang mở ra cả chân trời mới. Chính phủ số, xã hội số, chính quyền số phải đi vào thực chất, chứ không thể nói suông, xuôi chiều, nói xong để đấy. Muốn thế, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược càng phải hiểu sâu về kinh tế số, hiểu đúng về kinh tế trí thức để ứng xử và hành động nhanh nhạy, bắt trúng với thực tiễn.

 Then chốt của then chốt! Việc chọn lựa thế nào để bầu cho được 200 Ủy viên Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, mong mỏi của Nhân dân cả nước đang thu hút sự quan tâm của dư luận mọi tầng lớp xã hội cũng là điều dễ hiểu!

Đăng Quang