Tự ý rút tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành "sẽ bị phạt rất nặng"

- Chủ Nhật, 14/04/2024, 16:05 - Chia sẻ

Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội, Trịnh Xuân Tùng lưu ý, "doanh nghiệp tuyệt đối không được tự ý rút tiền ký quỹ. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt rất nặng”.

Đẩy mạnh, tăng tốc phát triển du lịch trong giai đoạn mới -0
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Trao đổi tại tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024, ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội, cho biết, Hà Nội hiện có 1.761 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 384 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Đây là con số khá lớn.

Nhằm đẩy mạnh, phát triển du lịch, các đơn vị cần cập nhật các quy định kinh doanh dịch vụ lữ hành; tích cực kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh, liên kết xây dựng sản phẩm, tour tuyến. Đặc biệt, "doanh nghiệp tuyệt đối không được tự ý rút tiền ký quỹ. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt rất nặng”, ông Tùng lưu ý.

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017. Cụ thể, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng. 

Cũng tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; giá dịch vụ, vé máy bay tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn; các xu hướng mới của thị trường, công nghệ đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời, hiệu quả…

Ông Hà Văn Siêu kêu gọi các thành viên CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động kinh doanh, kết nối, xây dựng sản phẩm mới. Từ đó, góp phần định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Với tổng số hơn 600 hội viên hiện có, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí của một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, quy tụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, trong đó có CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng Phòng Xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khẳng định, kết quả hoạt động của ngành du lịch có vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp du lịch, cũng như những khó khăn của ngành luôn đặt trên vai các doanh nghiệp, và thành tích của doanh nghiệp chính là thành tích của ngành.

“Hiện nay, nhiều thị trường tốp đầu đưa khách đến Việt Nam vẫn chưa hồi phục, nhưng quý I.2024, lượng khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt lượng khách quốc tế đến cùng kỳ năm 2019. Đây là nhờ năm 2023, toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã kinh doanh, khai thác được một số thị trường mới như: Ấn Độ, Nam Á, Tây Âu… đạt thành quả ban đầu theo đúng định hướng của ngành”, ông Phương thông tin.

Hương Sen
#