Kết nối điểm đến giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ

- Thứ Ba, 23/07/2024, 22:56 - Chia sẻ

Ngày 23.7, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thu hút gần 200 doanh nghiệp tham dự.

Cả Hà Nội, Ninh Bình và Kon Tum có đặc điểm văn hóa, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lễ hội… Đồng thời, các địa phương này có vị trí địa lý đắc địa, thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong nước và quốc tế. Do đó, hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch Hà Nội, Ninh Bình và Kon Tum.

Trong khi đó, Tây Nam Bộ được biết đến là thế giới của miền sông nước, với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm đất ngập nước lớn nhất Việt Nam; đa dạng về loại hình văn hóa, nhất là có nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong những thị trường tiềm năng và rất quan trọng đối với du lịch của Hà Nội, Ninh Bình và Kon Tum, đặc biệt trong giai đoạn các tỉnh, thành phố đang xây dựng chiến lược để thu hút khách du lịch nội địa.

Kết nối điểm đến giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ -0
Hội nghị thu hút gần 200 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Nguyễn Minh

Hội nghị nhằm liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội - Ninh Bình -Kon Tum và các tỉnh Tây Nam Bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch có cơ hội kết nối và hỗ trợ nhau trong khai thác các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tại Hội nghị, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm triển khai hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Một là, thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi sản phẩm du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương trên các kênh truyền thông, cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương, các Đài Phát thanh và Truyền hình trên cả nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, website, mạng xã hội (Youtube, Facebook...)

Ba là, phối hợp tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến trên địa bàn nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.

Bốn , kết nối các sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất chuyến bay giữa các địa phương; có cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không xây dựng những gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa.

Năm là, trao đổi công tác, kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là trong quản lý, bảo đảm giữ vững môi trường du lịch xanh, thân thiện môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, bền vững.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch; khai thác giá trị di sản, tiềm năng của các địa phương, xây dựng những sản phẩm du lịch thông minh, tăng cường cung cấp cho du khách dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số hiện nay. 

Hà Hương
#