Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp du lịch xoay xở hút khách

- Thứ Năm, 21/03/2024, 07:40 - Chia sẻ

Trần giá máy bay tăng khoảng 3,75% từ ngày 1.3 đã đẩy chi phí du lịch tăng khiến người dân phải chuyển hướng du lịch; còn các công ty du lịch, lữ hành cũng phải cân đối lại các khoản trong tour để có phương án tốt nhất thu hút khách.

Chuyển hướng vì vé máy bay

Tháng 4 tới, gia đình anh Nguyễn Xuân Châu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dự kiến sẽ đi du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi tham khảo giá vé khứ hồi hạng phổ thông dao động ở mức 3,5 - 4 triệu đồng/người, tức là sẽ phải chi khoảng 10 - 12 triệu đồng tiền vé máy bay cho gia đình 3 người, chưa kể tiền ăn ở, vui chơi, mua sắm, anh Châu không khỏi lăn tăn. “Chúng tôi đang tính đến phương án sẽ chuyển sang đi các tỉnh ở gần Hà Nội để tối ưu chi phí”, anh Châu cho biết.

Tương tự, chị Hoàng Thị Khánh Ly, quận Hải Châu, Đà Nẵng cho biết, giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng khá lớn đến kế hoạch du lịch của gia đình. Cuối tháng 3 này, gia đình chị dự tính đi Phú Quốc, song khi kiểm tra giá vé lên tới gần 4 triệu/vé khứ hồi, gia đình đã quyết định chuyển sang đi du lịch Thái Lan với giá vé thấp hơn gần một nửa.

Giá vé máy bay điều chỉnh tăng theo Thông tư số 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Cụ thể, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850km đến dưới 1.000km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.

Giám đốc Công ty CP Du lịch Liên Minh Việt Nam (Mustgo) Đinh Thị Thu Thảo xác nhận, việc điều chỉnh giá trần vé máy bay đã có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước, làm cho giá các tour và combo tăng theo. Mặc dù các khách sạn và resort cũng đã có những chính sách hay chương trình khuyến mãi giảm giá phòng để hỗ trợ khách hàng song vẫn chưa thực sự hiệu quả. Với tình hình hiện tại, khách hàng đang có xu hướng đi du lịch bằng các phương tiện vận tải truyền thống như phương tiện cá nhân, xe ô tô hay tàu hỏa để tiết kiệm chi phí hơn. Bà Thảo ước tính, lượng khách nội địa của công ty giảm tương đối mạnh, ước tính chỉ đạt khoảng 2/3 so với năm ngoái.

Đại diện một doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam cũng thông tin, hiện du khách cũng ít mặn mà với các tour trong nước đi bằng đường hàng không. Thay vào đó, du khách lựa chọn các tour nước ngoài, đặc biệt là tour sang các nước Đông Nam Á có mức giá tương đương hoặc chỉ chênh lệch một vài triệu đồng. Đơn cử, nếu đi Thái Lan 5 ngày, chi phí sẽ dao động từ 7 - 8 triệu đồng, trong khi nếu đi du lịch từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh cũng phải hơn 10 triệu đồng, chưa kể các chi phí phát sinh.

Có phương án điều tiết, bình ổn giá vé máy bay

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Trần Hữu Hiệp, hàng không và du lịch là hai ngành có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành. Theo số liệu thống kê, du khách quốc tế đi bằng máy bay trong năm 2023 chiếm gần 87%, 2 tháng đầu năm 2024 chiếm hơn 84%. Còn du khách trong nước, thu nhập trung bình trở lên cũng sẽ chọn hàng không bởi những tiện ích của phương thức vận chuyển này.

Những năm gần đây, nhiều du khách trong nước, các công ty lữ hành cũng thường chọn các hãng hàng không giá rẻ để thiết kế chuyến đi. Do vậy, việc tăng giá vé máy bay chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến đông đảo du khách.

Thời gian qua, các hãng hàng không rất khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm nên việc tăng giá vé cũng là một giải pháp cho ngành. Tuy nhiên, chúng ta đang kích cầu du lịch, nếu như tăng quá cao thì du khách không đi, hàng không lẫn du lịch đều thất thu. Các hãng bay trên thế giới và cả trong khu vực không có chiến dịch tăng giá vé nhưng vẫn có kích cầu, khuyến khích nhu cầu đi lại của du khách, ông Hiệp thông tin.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, ngành hàng không cần phải xem xét giá vé so với mặt bằng chung của các phương tiện giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường sắt. Ngoài ra, cần tìm cách tiết giảm thấp nhất các chi phí trung gian để bảo đảm giá thành đừng bị đẩy lên quá cao.

Về phía Chính phủ nên có phương án điều tiết, bình ổn giá vé máy bay. Đặc biệt, ông Hiệp cho rằng, điều cốt lõi là ba đối tượng trong chuỗi du lịch gồm lữ hành, hàng không và nơi lưu trú phải cùng phối hợp để chia sẻ lợi ích, cùng xây dựng cơ chế giá vé hợp lý như có nhiều khuyến mãi, quà tặng... đủ sức kích thích nhu cầu du lịch nội địa. “Từ năm ngoái cho đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã có rất nhiều khởi sắc, do đó vấn đề này cũng nên được xem là một điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ”, ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Để tránh phải tăng giá do ảnh hưởng từ sự tăng giá vé máy bay, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà (Viet Da Travel) Đinh Văn Lộc cho biết, công ty đang khuyến khích khách hàng đặt vé sớm, từ đó sẽ dễ dàng hoạch định kế hoạch, làm giá tour tốt hơn. Ông Lộc đề nghị, sắp tới là thời gian cao điểm hè (đặc biệt là dịp Lễ 30.4 - 1.5), các hãng hàng không cần có kế hoạch tăng cường chuyến bay, có chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vào các hãng hàng không.

Hiện, đa số công ty lữ hành đều đang phải cân đối lại các khoản trong tour để đưa ra phương án tốt nhất, cũng như thêm nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách với thị trường trong nước. Đại diện Mustgo cho biết, sẽ tập trung vào việc đa dạng dịch vụ nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt; đồng thời liên tục làm mới, đa dạng tour, thiết kế combo di chuyển đường bộ kết hợp các phân khúc phòng giá rẻ để tiết kiệm chi phí cho khách.

Hạnh Nhung
#