Du lịch trekking - xu hướng nhiều tiềm năng

- Chủ Nhật, 07/04/2024, 07:38 - Chia sẻ

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng chọn du lịch thể thao mạo hiểm, đi bộ đường dài trên những địa hình phức tạp để khám phá thiên nhiên hoang dã kết hợp cắm trại (trekking) ngày càng được ưa chuộng, trở thành lựa chọn của đông đảo giới trẻ và nhóm gia đình. Đây cũng là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Nối dài hành trình, gia tăng trải nghiệm

Từng tổ chức hoạt động du lịch trekking trên toàn quốc, Giám đốc Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho biết, các địa phương như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... sở hữu nhiều bản làng còn hoang sơ, núi cao đan xen những con đường uốn lượn đẹp như tranh vẽ cùng văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng, thích hợp xây dựng tour trekking cho du khách trong nước và quốc tế.

Lấy ví dụ từ chuyến khảo sát tour trekking Điện Biên mới đây nhân chuẩn bị Năm Du lịch Quốc gia 2024, ông Doanh phân tích, nơi đây địa hình chủ yếu là đồi núi ở độ cao 200 - 1.800m so với mực nước biển, đỉnh núi cao nhất là Pu Đen Đinh, cao 1.886m. Xen lẫn các dãy núi cao là thung lũng, sông, suối nhỏ hẹp, trong đó thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150km2. Những cao nguyên rộng lớn như A Pa Chải (huyện Mường Nhé), Tả Phình (huyện Tủa Chùa), rừng nguyên sinh Mường Nhé… cùng khu bảo tồn thiên nhiên Pá Khoang - Mường Phăng thuộc vùng địa lý sinh học Tây Bắc. Tất cả làm nên chất liệu cho tour trekking chủ đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trekking đỉnh Pu Tó Cọ, nơi đặt Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: LDD
Trekking đỉnh Pu Tó Cọ, nơi đặt Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: LDD

Theo ông Doanh, để tour trekking không đơn điệu, tạo dấu ấn riêng, khác biệt, Fivestar Travel và các doanh nghiệp lữ hành đã tập trung phát triển dòng sản phẩm trekking kết hợp du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử cách mạng, thăm lại chiến trường xưa, cột mốc chủ quyền, chinh phục độ cao và hệ sinh thái thảm thực vật. Đặc biệt, kết hợp khai thác, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới Việt - Lào, Việt - Trung, nhằm tăng thời gian lưu trú cho du khách, nối dài hành trình để khách có thêm nhiều khám phá, trải nghiệm.

Gắn kết với cộng đồng, bảo vệ sinh thái

Từ thực tế xây dựng tour trekking Điện Biên, ông Lương Duy Doanh đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch này tại các địa danh, vùng miền trên cả nước. Trước hết, các địa phương cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng từng địa danh có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, leo núi. Xác định những khu vực có thể khai thác du lịch ở các mức độ, sao cho vừa phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng làm cơ sở quản lý du lịch địa bàn vùng giáp ranh rừng đặc dụng, khu vực phòng hộ, biên giới. “Chỉ riêng về rừng đặc dụng, có thể khai thác loại hình du lịch này tại rừng thông Bản Áng - Sơn La, rừng Cúc Phương - Ninh Bình, rừng nguyên sinh Tam Đảo - Vĩnh Phúc, rừng nguyên sinh Pù Mát - Nghệ An, rừng thông Bồ Bồ - Quảng Nam…”.  

Cố vấn chiến lược Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu Hoàng Quốc Việt bổ sung, các địa phương cũng cần đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển du lịch leo núi, chinh phục độ cao, tạo thành những cung đường trekking nội vùng, liên vùng, thậm chí liên quốc gia. Trong đó, xây dựng chính sách đặc thù cho từng địa phương, địa danh có tiềm năng để hỗ trợ phát triển loại hình du lịch này, tập trung hỗ trợ việc xây dựng, nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch liên quan có thế mạnh đáp ứng yêu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Xác định rõ mục tiêu phát triển của du lịch trekking tại Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Tân Thế Giới - New World Travel Đặng Thanh Tùng cho rằng, cần tiếp tục xây dựng kế hoạch cho du lịch trekking theo hướng sinh thái, vừa trekking vừa trải nghiệm. Phát triển du lịch trekking cần gắn kết với cộng đồng địa phương, bởi đây là trải nghiệm hết sức độc đáo và giá trị, qua đó du khách sẽ vô cùng thích thú khi được hòa mình vào cuộc sống nơi mình đặt chân đến.

Theo ông Tùng, cũng cần đầu tư thật tốt cơ sở hạ tầng tại điểm đến để du khách không chỉ trekking mà còn được tận hưởng những giây phút thư giãn cùng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Huấn luyện đội ngũ kỹ thuật để phục vụ trekking chuẩn chỉnh, an toàn và chuyên nghiệp. Xây dựng các sản phẩm trekking đa dạng, phong phú để du khách có nhiều lựa chọn cũng như thêm nhiều trải nghiệm mới. Tăng cường quảng bá du lịch trekking cho du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phổ biến quảng bá "trekking xanh" nhằm bảo vệ môi trường, thu hút du khách.

Lưu ý về việc tăng cường các hoạt động "trekking xanh", ông Tùng khuyến nghị, cần phối hợp quản lý chất lượng dịch vụ du lịch bảo đảm quyền lợi của du khách trong đó đặc biệt chú ý đến các tiêu chuẩn ăn, nghỉ, vận chuyển, người phục vụ, dẫn đường, hướng dẫn viên bản địa; hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thực hiện cam kết phát triển ổn định thị trường khách du lịch truyền thống, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và văn hóa bản địa.

Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nghĩa giữa các thôn, bản, khu vực biên giới để xây dựng một số tuyến, điểm trekking tạo điểm nhấn và sức lan tỏa. Có thể kết hợp khai thác các làng du lịch cộng đồng nhằm mở rộng điểm dừng chân trên các cung đường leo núi, như Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm (Hà Giang), bản Sin Suối Hồ (Lai Châu), Làng Du lịch cộng đồng Anôr (Thừa Thiên Huế)…

Hương Sen
#