Du lịch thêm đà bứt phá

- Thứ Năm, 09/05/2024, 07:43 - Chia sẻ

Ngành du lịch đang có thêm cơ hội vàng sau đà tăng trưởng từ kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5; tuy nhiên, các chuyên gia du lịch khuyến cáo cần chú trọng chất lượng để có sự phát triển bền vững.

Động lực để bứt phá, tăng trưởng

Kỳ nghỉ lễ vừa qua, bất chấp thời tiết nắng nóng, cả nước đã đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tại các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Có thể thấy điều đó qua thực tế tại các địa phương: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa… 

Để đạt được kết quả này, ngay từ trước kỳ nghỉ lễ, các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm du lịch mới mẻ, phong phú, hấp dẫn, bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống. Đáng chú ý, để thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi xe ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn, tổ chức tour trải nghiệm bằng tàu hỏa, xe ô tô tự lái... với mức giá hợp lý, dễ hút khách.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du Lịch Việt Phạm Phương Anh cho biết, kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, tổng số lượng khách tham gia tour tại Du Lịch Việt đạt khoảng 5.000 lượt, với tỷ lệ lấp đầy đạt 92%. Đối với thị trường du lịch trong nước, những địa điểm được du khách yêu thích như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Quảng Bình, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Doanh nghiệp gia tăng các sản phẩm tham quan di tích lịch sử kết hợp trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương. Ảnh: HQ
Doanh nghiệp gia tăng các sản phẩm tham quan di tích lịch sử kết hợp trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương. Ảnh: HQ

Theo bà Phạm Phương Anh, mặc dù giá dịch vụ đầu vào tăng, du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhưng nhìn chung khách hàng vẫn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm tour chất lượng với chi phí phù hợp. “Để giúp du khách có những trải nghiệm du lịch chất lượng, chúng tôi đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như: tăng cường liên kết với đối tác cung cấp giá ổn định, lâu dài, các khuyến mãi đăng ký xa ngày, đăng ký theo nhóm, gia đình. Bên cạnh đó, gia tăng các sản phẩm tham quan di tích lịch sử như Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình kết hợp trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương”.

Kết quả khả quan của du lịch nội địa dịp nghỉ lễ vừa qua được xem là tín hiệu tích cực. Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) Phạm Hải Quỳnh, du lịch bội thu mang lại nhiều lợi ích đối với ngành như tăng cường doanh thu, tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh; khích lệ người dân tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch...

Bảo đảm phát triển bền vững

Sự bùng nổ của du lịch nội địa một mặt tạo sự khích lệ để ngành công nghiệp không khói bứt phá, song ông Phạm Hải Quỳnh cũng cho rằng sẽ tăng áp lực cho kết cấu hạ tầng du lịch, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và tạo ra tình trạng quá tải tại các điểm đến. “Ngoài ra việc cạnh tranh không lành mạnh như chèo kéo, tranh giành khách, nâng giá đồ ăn, dịch vụ... sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch”.

Vì vậy, ông Quỳnh kiến nghị cần có biện pháp kiểm soát, chế tài nghiêm khắc đối với việc chụp giật, giành giật khách không lành mạnh, tăng giá… Đồng thời, các địa phương cần đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông để bảo đảm tính liên kết giữa các điểm du lịch và giảm tình trạng quá tải tại các điểm du lịch nổi tiếng. “Tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan như chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để xây dựng mô hình du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên và bảo vệ môi trường du lịch”.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Marketing Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cũng cho rằng, mục tiêu phát triển du lịch bền vững không đồng nghĩa ổn định mãi mãi mà là sự phát triển mọi mặt bảo đảm yếu tố bền lâu. Theo đó, các địa phương cần nâng cao ý thức của cộng đồng về du lịch bền vững, nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách bằng giá trị đặc thù địa phương; đón tiếp du khách một cách thân thiện, biết bảo vệ và nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường. Tạo dấu ấn tốt đối với du khách bằng cả hành vi, lối sống, sự độc đáo về văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Trước kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 1654/BVHTTDL-DLQGVN ngày 19.4.2024 về triển khai hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”. Chương trình nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, từ doanh thu của kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, du lịch trong nước sẽ có thêm bước phát triển mới, bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước, góp sức đưa du lịch Việt Nam hồi sinh và phát triển bền vững.

Hồng Hà
#