Có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế

- Thứ Năm, 23/03/2023, 06:37 - Chia sẻ

Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” ngày 22.3, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, thậm chí có thể cao hơn. 

 Khách quốc tế chi tiêu gấp 11 lần khách nội địa

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thu hút tốt khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Việt Nam năm 2019 đón 18 triệu lượt quốc tế - bằng 21% lượt khách nội địa nhưng chiếm 2/3 doanh thu của ngành. Lý do là thời gian lưu trú của khách quốc tế dài, từ 8 - 12 ngày, chi tiêu 1.100 - 2.000 USD/chuyến trong khi khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu thấp hơn. 

TS. Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, mặc dù đi sau Thái Lan 30 năm về du lịch nhưng Việt Nam chỉ còn khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế nữa sẽ đuổi kịp Thái Lan, đây là con số đáng nể. Trong 10 điểm đến hàng đầu của thế giới, Việt Nam thường xuyên có 5 - 6 điểm. Việt Nam cũng không phụ thuộc vào một thị trường du lịch nào, khách hoàn toàn có thể chỉ đến Việt Nam và không cần kết hợp đến các nước khác.

Theo TS. Nuno, khách nước ngoài đang chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước, khách ở lại càng lâu thì chi tiêu càng nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ 8 - 10%, một con số rất nhỏ so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh đó, có nhiều chỉ số nước ta đang thua xa Thái Lan. Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết, năm 2019, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người, thời gian ở lại 9,1 - 9,2 ngày. Cùng năm đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế có mức chi trả cao 2.400 - 2.500 USD/người và tỷ lệ quay trở lại lên đến 70%. 

 Trình Quốc hội sửa chính sách visa vào tháng 5 tới

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế - con số khá khiêm tốn so với 18 triệu lượt của năm 2019. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Thị Lê Hương cho rằng, có thể tự tin rằng sẽ đạt được mục tiêu này. Bởi lẽ Chính phủ thời gian qua đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế. Trung Quốc - thị trường chiếm 30% lượng khách quay lại Việt Nam - cũng đã mở cửa với nước ta. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy 2 tháng đầu năm đã đón 1,8 triệu lượt khách. 

Quan trọng là ngành du lịch phải định vị được thương hiệu, sản phẩm du lịch, và có sự kết nối, bà Hương nói. Với lợi thế về biển, Việt Nam có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng và truyền thông mạnh hơn để xây dựng hình ảnh Việt Nam là đất nước của du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, thu hút nguồn khách mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đáng đến và trải nghiệm cho du khách trong ASEAN.

Lạc quan hơn, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng Việt Nam có thể đón 10 - 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Muốn vậy, trong ngắn hạn, phải hiểu khách hàng, tập trung thu hút khách có khả năng chi trả cao, chính sách visa cởi mở và thông thoáng, đồng thời có các đường bay thẳng để thuận lợi hơn cho du khách. Về trung hạn, theo ông Chính, cần xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch, tăng cường kết nối các phương tiện giao thông,  quản lý điểm đến để du khách có cảm giác thoải mái nhất để kéo khách quay trở lại. 

Liên quan đến chính sách visa, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, do chưa sửa đổi được Luật Xuất nhập cảnh, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung này vào Nghị quyết chung tại kỳ họp tháng 5 tới để làm căn cứ triển khai. Theo đó, Bộ Công an đề xuất mở rộng diện các quốc gia cấp thị thực điện tử; nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày. Ngoài ra, kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày và có thể được gia hạn thị thực, cấp thị thực thẻ tạm trú nếu đáp ứng được các yêu cầu khác.

Trúc Oanh