Chuyển đổi xanh để du lịch phát triển bền vững

- Thứ Năm, 21/03/2024, 07:36 - Chia sẻ

Chia sẻ bên lề họp báo Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 ngày 20.3, Trưởng Ban tổ chức - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam VŨ THẾ BÌNH kỳ vọng, chuyển đổi xanh sẽ lan tỏa rộng rãi để cùng với chuyển đổi số trở thành đôi cánh giúp du lịch Việt Nam bay lên.

Lan tỏa khái niệm chuyển đổi xanh trong du lịch

- Tại sao Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 chọn chủ đề “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, thưa ông?

- VITM Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 11 - 14.4, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE - Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, trong bối cảnh ngành du lịch quyết tâm khôi phục toàn diện du lịch trong năm 2024, mọi chỉ tiêu của ngành du lịch đều đạt và vượt năm 2019. Tại Hội chợ sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện, thực hiện đúng Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam VŨ THẾ BÌNH. Ảnh: H.Sen
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Hiện các nền kinh tế thế giới đều tập trung vào vấn đề chuyển đổi xanh, gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững. Chính vì vậy, mặc dù cách đây 3 năm, VITM Hà Nội từng lấy chủ đề "Du lịch xanh", nhưng lần này chúng tôi tiếp tục đưa ra chủ đề “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”.

- Chuyển đổi xanh trong du lịch sẽ tập trung vào các lĩnh vực nào?

- Chuyển đổi xanh trong du lịch sẽ tập trung từ khâu xây dựng sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh, điểm đến xanh, con đường du lịch xanh, đào tạo lao động có kiến thức về du lịch xanh… Bản chất của việc này là chú trọng đến bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường du lịch thân thiện; qua đó làm cho sản phẩm du lịch của Việt Nam hấp dẫn hơn, đổi mới hơn và có thể thu hút sự hưởng ứng của toàn xã hội đối với hoạt động du lịch.  

- Trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2024 dự kiến tổ chức Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Xin ông chia sẻ thêm về Diễn đàn này?

- Trong VITM, bao giờ cũng có hai phần việc. Thứ nhất là những hoạt động thương mại, mua bán, trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Hoạt động thứ hai là định hướng phát triển. Với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, VITM 2024 sẽ có diễn đàn vừa trực tiếp vừa trực tuyến bàn về chuyển đổi xanh trong du lịch và trách nhiệm của mỗi cơ quan liên quan.

Chúng ta có đã có những khách sạn, nhà hàng nói không với rác thải nhựa, có nhiều mô hình du lịch xanh góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách để lan tỏa một hình ảnh du lịch Việt Nam xanh, sạch, hấp dẫn. Điều đó có nghĩa Việt Nam đang có những gương sáng trong phát triển du lịch theo hướng xanh. 

Chúng tôi hy vọng rằng, với những hoạt động của Hội chợ thì khái niệm chuyển đổi xanh sẽ lan tỏa một cách rộng rãi trong các doanh nghiệp du lịch, để cùng với chuyển đổi số trở thành đôi cánh của ngành du lịch, giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam bay lên thời gian tới.

Ngành du lịch có nhiều cơ hội

- Năm nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn con số 18 triệu lượt khách quốc tế mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra. Đâu là những nguyên nhân Hiệp hội Du lịch Việt Nam có thể tự tin với mục tiêu này?

- Điều khiến chúng tôi tự tin là sự nhiệt tình của các doanh nghiệp. Tuy rằng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm cao của doanh nghiệp, cùng một số điều kiện thuận lợi, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó.

Cụ thể, chính sách thị thực (visa) của chúng ta đã có nhiều đổi mới. Có thể không rộng bằng một số nước trong khu vực nhưng về chiều sâu, chúng ta đã miễn visa song phương cho 15 nước với thời gian lưu trú 45 ngày, nâng thời hạn visa điện tử lên tới 90 ngày và đang nghiên cứu mở rộng danh sách miễn visa đơn phương, thí điểm cấp visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần... Với chính sách mở cửa một cách mạnh mẽ như vậy, chúng tôi tin rằng ngành du lịch sẽ có nhiều cơ hội.

- Kỳ vọng của ông về VITM Hà Nội năm nay?

- Hiện đã có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký có gian hàng, khoảng 3.000 doanh nghiệp du lịch cả nước tham dự các hoạt động của Hội chợ. Số người tham gia Hội chợ kỳ vọng đạt từ 60.000 - 70.000 lượt. Tuy không cao bằng năm 2019, nhưng trong bối cảnh hiện nay con số đó cũng ấn tượng. 

Chúng tôi kỳ vọng, Hội chợ sẽ góp phần khôi phục toàn diện du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, xây dựng và định vị thương hiệu, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế. Sự kiện này cũng sẽ phát huy vị thế, đóng góp tích cực để du lịch Việt Nam từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện
#