Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

- Thứ Bảy, 13/07/2024, 11:02 - Chia sẻ

Được xếp vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, 7 chú hổ Đông Dương được chăm sóc nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng bằng quy trình khoa học cùng tình cảm của những người làm công việc cứu hộ, bảo tồn.

Để hổ “thư giãn” trong môi trường bán hoang dã

Nằm sâu giữa rừng xanh của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi đang cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động vật rừng quý hiếm, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương. Các cá thể hổ được nuôi dưỡng trong không khí và thanh âm hùng vĩ của núi rừng. Theo những người cứu hộ, điều này sẽ giúp hổ cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn, mang đến điều kiện phát triển gần tương đồng trong tự nhiên.

Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Cá thể hổ Đông Dương có trọng lượng lớn nhất tại Trung tâm. Ảnh: Khánh Trinh

Được biết, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chăm sóc và nuôi dưỡng 7 cá thể hổ được giải cứu từ một vụ án hình sự do Công an tỉnh Nghệ An thực hiện vào tháng 8.2021. Sau đó, 7 con hổ được đưa về VQG Pù Mát (Nghệ An) chăm sóc. Tháng 3.2022, các cá thể hổ được bàn giao cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nuôi dưỡng, nhằm tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho động vật hoang dã.

Từ thời điểm về với VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ nặng khoảng 50 - 60kg, đến nay, sau 2 năm nuôi dưỡng, các con hổ đã đến tuổi trưởng thành, con lớn nhất nặng khoảng 160kg, chiều dài trên 1,5m. Những con còn lại nặng khoảng 120kg.

Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Các cá thể hổ được chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Ảnh: Khánh Trinh
Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Nhân viên cứu hộ cho hổ ăn theo khẩu phần được thiết kế riêng. Ảnh: Khánh Trinh

7 cá thể hổ này được nuôi ở các chuồng riêng biệt, mỗi chuồng rộng 26m2, được xây kiên cố và có lớp tôn cách nhiệt, nền đất tự nhiên và bê tông kết hợp, cùng bể nước và kệ nằm đảm bảo môi trường sống phù hợp cho động vật hoang dã. 

Theo nhân viên cứu hộ Hoàng Mạnh Hùng, bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản về thực phẩm, đơn vị phải lên kế hoạch dinh dưỡng cho các con hổ theo tiêu chuẩn bảo tồn, giữ “hình thể” các chú hổ ở tỷ lệ cân đối nhất. Bên cạnh đó, các hạng mục trong khuôn viên sinh sống của hổ cũng được đảm bảo tính giải trí và thư giãn.

“Hồ tắm, giá gỗ nằm, dây thừng là phúc lợi động vật cho hổ, giúp các cá thể hổ có thêm hoạt động vận động, vui chơi. Tại đây có một số chú hổ rất hiếu động, có bạn thích tắm, có bạn thích leo trèo, có bạn lại chơi cùng với nhau”, anh Hoàng Mạnh Hùng cho biết.

Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Khu vực nuôi dưỡng có các hạng mục phúc lợi, để hổ vui chơi và vận động. Ảnh: Khánh Trinh
Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng -0
Khẩu phần ăn được tính toán nhằm đảm bảo "hình thể" cân đối cho hổ. Ảnh: Khánh Trinh

Theo Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là giống hổ tự nhiên, nên khi được đưa về đơn vị để nuôi dưỡng và bảo vệ, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã xây dựng phương án chăm sóc lâu dài, để loài vật có thể gần gũi với môi trường sống vốn có của nó nhất.

Những người cứu hộ tâm huyết với động vật hoang dã

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hiện đang chăm sóc khoảng 80 cá thể động vật rừng. Điều đặc biệt là các nhân viên cứu hộ nhớ rõ tất cả đặc điểm, điều kiện sống cần thiết, đặc tính, thậm chí cả tính cách cá nhân riêng của mỗi một cá thể. 

Không chỉ riêng 7 cá thể hổ, các loài động vật rừng khác đang được bảo tồn và nuôi dưỡng tại Trung tâm cũng đc anh Hoàng Mạnh Hùng cùng lực lượng cứu hộ nắm rõ tính cách và tập tính sinh trưởng. Đối với các cán bộ tại đây, việc này phục vụ quá trình công tác và chăm sóc tốt nhất các cá thể động vật hoang dã, đồng thời cũng là niềm vui của các anh khi tiếp xúc với các con thú mỗi ngày.

Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng -0
Một số loài động vật khác tại Trung tâm. Ảnh: Khánh Trinh
Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng -1
Các cá thể được giải cứu và giao cho Trung tâm chăm sóc, cứu hộ. Ảnh: Khánh Trinh
Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Nhân viên cứu hộ Hoàng Mạnh Hùng giới thiệu về khu vực nuôi dưỡng và theo dõi các loài động vật rừng. Ảnh: Khánh Trinh

Tuy vậy, vì là động vật hoang dã, nhiều loài còn được xếp là thú dữ, anh Hùng cùng lực lượng cứu hộ không khỏi “căng thẳng” khi làm việc. 

“Trong số 7 cá thể hổ Đông Dương, 2 cá thể cái vẫn không thoải mái khi tiếp xúc với con người, thường xuyên gầm và đe dọa nhân viên. Do đó, mỗi lần làm vệ sinh không gian sống của các cá thể hổ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và lo sợ. Những cá thể này cũng được chăm sóc tại khu riêng cách biệt để hạn chế tạo căng thẳng, giúp chúng thoải mái hơn”, nhân viên cứu hộ Hoàng Mạnh Hùng cho biết.

Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng -0
Xét theo tính cách, 2 chú hổ được xếp ở cùng nhau để sinh hoạt, vui đùa. Ảnh: Khánh Trinh
Chuyện bảo tồn hổ Đông Dương trong sách đỏ tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng  -0
Cá thể hổ Đông Dương đã quen với sự xuất hiện của các nhân viên cứu hộ. Ảnh: Khánh Trinh

Ông Phạm Kim Vương, phụ trách phòng cứu hộ động vật của Trung tâm cho biết, bên cạnh chuyên môn, đội ngũ nhân viên ở đây cũng phải mẫn cán, đam mê và giàu tâm huyết với nghề, do công việc không kém phần vất vả với đặc thù riêng.

“Động vật hoang dã có các loại bệnh riêng nên chúng tôi cũng phải đặc biệt theo dõi chăm sóc một số cá thể, đồng thời cẩn trọng để đảm bảo an toàn bản thân vì có một số cá thể có tập tính hung dữ. Các anh em cũng đã gắn bó với công việc bằng sự chuyên nghiệp và tình yêu nghề, để góp phần bảo tồn các loài vật quý hiếm của thiên nhiên”, ông Phạm Kim Vương chia sẻ.

Khánh Trinh
#