Cấp bách đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu thực tế

- Thứ Hai, 22/04/2024, 07:01 - Chia sẻ

Ngành du lịch đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự hao hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Khi du lịch từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được đặt ra cấp bách.

Hướng dẫn du khách trải nghiệm tour trực thăng tham quan TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: dttc.sggp.org.vn
Hướng dẫn du khách trải nghiệm tour trực thăng tham quan TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: dttc.sggp.org.vn

Nhân lực sau đào tạo bị "lệch hướng"

Theo Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên, học viên, trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. 

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận xét, lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ, thông minh, tích cực học hỏi nếu so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh. Ông Thủy khẳng định, mặc dù số sinh viên, học viên được đào tạo tương đối lớn song “việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cao cấp, mà chủ yếu hành nghề cơ bản. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của đơn vị”.

Đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam Đào Mạnh Hùng cũng cho biết, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia...

Phân tích những yếu điểm trong khâu đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á, PGS.TS. Dương Đức Thắng cho rằng, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch. "Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ phải thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn!”.

Xây dựng tiêu chí đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế

Trước thực tế trên, các chuyên gia nêu vấn đề phải có những chuẩn mực trong đào tạo nhân lực để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp. Theo Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Phạm Hồng Long, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Hồng Long gợi ý, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu. “Không thể 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng nghề, mà chỉ khoảng 20 - 25% gắn với nghề, còn lại vẫn chuyển công việc khác. Phải có những nhân sự thật sự yêu nghề thì mới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, để các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng”.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, GS.TS. Đào Mạnh Hùng cho hay, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Bên cạnh đó, cần xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch. Trên cơ sở nhu cầu việc làm, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm; doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố môi trường làm việc đối với thu hút nhân lực chất lượng cao, ông Urs Eberhardt, Giám đốc phát triển chiến lược Đông Nam Á, Trường Quản lý Kinh doanh và Khách sạn BHMS - một trong những trường đào tạo chuyên ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ - nhấn mạnh, du lịch thế giới đang vận dụng tiến bộ công nghệ vào mọi hoạt động để mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng. Vì thế, nhân sự làm việc trong ngành phải luôn học hỏi, tận dụng tối ưu lợi ích của công nghệ và rèn luyện kỹ năng thích ứng linh hoạt với những xu hướng mới nhất của ngành, sao cho vừa đáp ứng chuẩn đào tạo, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Hồng Hà
#