Tháo gỡ vướng mắc thu hút đầu tư, phát triển du lịch

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 12:15 - Chia sẻ
Du lịch Đà Nẵng đã dần định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến quốc tế an toàn, hấp dẫn và mến khách. Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, để tạo điều kiện thuận lợi giúp du lịch sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới, thành phố đề xuất rà soát, xem xét các quy định liên quan chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Bảo vệ thương hiệu điểm đến hấp dẫn, an toàn

Du lịch được xác định là 1 trong 3 trụ cột chính theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ông Trần Phước Sơn, trong từng giai đoạn phát triển, thành phố luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng hành của nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân địa phương. Nhờ đó, thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và định vị được thương hiệu trên bản đồ điểm đến thế giới như là điểm đến quốc tế hấp dẫn, an toàn, mến khách.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Quang Khánh  

Giai đoạn 2010 - 2019, du lịch Đà Nẵng tăng trưởng tốt, với lượng khách bình quân tăng trưởng 19,34%. Tổng thu du lịch tăng 29,15%. Tỷ lệ đóng góp của du lịch đóng góp trong GRDP của thành phố Đà Nẵng năm 2019 đạt 31,4%. Trong đó đóng góp trực tiếp là 13,63%, và đóng góp gián tiếp là 18%. Tuy nhiên trong 2 năm qua, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Khiến cho các chỉ tiêu về du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng.

Môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch

Nhằm phục hồi du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ông Trần Phước Sơn kiến nghị, về môi trường đầu tư, Chính phủ sớm xây dựng và ban hành cơ chế thí điểm “Quy trình thủ tục rút gọn đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp, dự án đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế xã hội” để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong các bước chuẩn bị, thủ tục, thời gian thẩm định… của dự án theo quy định hiện hành, qua đó đẩy nhanh tiến độ khởi công và hoàn thành dự án. Có chính sách thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19.

Về cơ hội bỏ vốn, thành phố mong có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như: cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng, nhà cung cấp; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp...

Cũng theo ông Trần Phước Sơn, cần tiếp tục công khai, minh bạch các chính sách tiếp cận nguồn lực đất đai, tiếp cận thông tin quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế phối hợp trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép. 

Bổ sung gói tín dụng, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật và các nguồn lực, ông Trần Phước Sơn kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ từ 1 - 2 năm. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét tiếp tục tăng mức giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; xây dựng các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ giảm các chi phí liên quan đến ngân hàng.

Điều chỉnh thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng thay vì 12 tháng; xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau ngày 10.6.2020 thay vì trước ngày 10.6.2020 và cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện trong năm 2022 hoặc đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh du lịch vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, vay để sửa chữa, duy tu cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch.

Bên cạnh đó, giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2022 cho hoạt động kinh doanh du lịch, kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến hết năm 2022, giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021, hỗ trợ chính sách chậm đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 12.2021. Chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh sân golf trong thời gian nhất định. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 và 2023.

Các đại biểu tham quan trưng bày bên lề Hội thảo
 Ảnh: Quang Khánh

Đồng thời, có chính sách về khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp vào Quỹ xúc tiến phát triển du lịch, các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của địa phương.

TP. Đẵng kiến nghị thêm, cũng nên có chính sách sản xuất phục hồi đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như giảm giá điện, nước và linh hoạt dịch vụ viễn thông. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh như: Nghiên cứu và triển khai các ứng dụng, thiết bị để tránh tiếp xúc trực tiếp. Số hóa dữ liệu hành trình làm nền tảng cho du lịch nội địa, du lịch nước ngoài hoặc hình thức bong bóng du lịch sau này. 

Phục hồi sức mua, phục hồi đầu tư, phát triển thị trường

Về những đề xuất tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP. Đà Nẵng mong muốn Bộ chủ trì phát động các chương trình kích cầu du lịch phù hợp bối cảnh dịch bệnh Covid-19; xây dựng các chương trình, giải pháp kích cầu du lịch, chú trọng phục hồi, phát triển du lịch ở những địa bàn đủ điều kiện đón khách, bảo đảm phòng chống dịch bệnh. Bộ cũng cần đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương cho phép các địa phương đáp ứng yêu cầu được tổ chức đón khách quốc tế, ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Các bộ, ngành liên quan xem xét cho phép thực hiện gói bảo hiểm Covid-19 đối với du khách (như các nước đã áp dụng). Nghiên cứu thay đổi cách thức tổ chức, quảng bá Năm du lịch quốc gia, cần làm chung cho vùng, khu vực thay vì từng địa phương như hiện nay để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn kích cầu thị trường nội địa. Tăng cường đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế và khu vực, tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế định kỳ.

Cùng với đó, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư đối với các dự án trọng điểm/động lực của du lịch. Khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm với việc ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, giá điện…; có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc tổ chức kéo dài thời gian hoạt động của một số dịch vụ về đêm để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Có quy định, hướng dẫn về quản lý, khai thác, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với loại hình du lịch du lịch nông nghiệp và nông thôn, sinh thái, cộng đồng, các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước…

Hà Linh