Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với nhiều điểm đến đã khôi phục hoặc thậm chí vượt qua số lượng khách đến và doanh thu như trước đại dịch. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024.
“Tuy nhiên, khu vực Đông Á đang bị tụt lại, từ tháng 1 - 9 năm nay, khu vực này mới chỉ phục hồi được khoảng 50% so mức trước đại dịch, do việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn”, ông Siêu nhấn mạnh.
Thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với mức năm 2019. Ngành du lịch ASEAN đã cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn bằng cách ban hành những hướng dẫn và khuyến nghị chính sách kịp thời như Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phục hồi du lịch sau đại dịch, Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn sau đại dịch…
Tại hội thảo, các chuyên gia du lịch cho rằng, để tạo điều kiện kết nối điểm đến khu vực và xúc tiến ASEAN như một điểm đến chung, du lịch lễ hội cần được sự quan tâm của các nước thành viên.
Chuyên gia Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về các lễ hội khu vực Đông Nam Á, tình hình khai thác lễ hội cho mục đích du lịch tại khu vực và đề xuất các giải pháp để phát triển hiệu quả du lịch lễ hội cho ASEAN. Trong đó, nhấn mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lễ hội; gắn lễ hội với du lịch một cách hiệu quả.
Tại Đà Nẵng, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ nhất tổ chức năm 2022 và đặc biệt Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF từ năm 2008 đến nay đã đánh dấu sự trưởng thành về du lịch lễ hội của TP. Đà Nẵng. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Thị Hương Lan mong muốn công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá sẽ lan tỏa hình ảnh của sự kiện và điểm đến đến gần hơn với công chúng và người dân.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, địa phương đã nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra đặc trưng và nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến. Trong đó, tập trung xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế: “Huế - Kinh đô lễ hội”, “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” của Việt Nam... Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nhất là các kỳ Festival Huế...
Phiên thảo luận tại hội thảo quy tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung bàn về những xu hướng mới dành cho du lịch lễ hội, đồng thời kiến nghị giải pháp và định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, bảo đảm phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - di sản theo hướng bền vững.