Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật chiều 17.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho thanh tra ở tất cả các sở
Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm một điều.
Về Thanh tra sở (Mục 5, Chương II), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền thành lập Thanh tra sở cho UBND tỉnh, vì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất về tổ chức bộ máy. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, còn lại giao UBND tỉnh quyết định thành lập để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến nhiều nơi cơ quan Thanh tra sở chỉ bố trí được 2 - 3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.
Tuy nhiên, việc dự thảo Luật quy định phân quyền hoàn toàn cho UBND tỉnh có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là đối với lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật, như đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính… nếu như địa phương không quyết định thành lập thanh tra sở.
Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị, cần quy định theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”. “Như vậy, vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước, vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương. Đồng thời, vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định tại Điều 52 của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.
Thường trực Ủy ban đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nêu trên để chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán và tình trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, trùng lặp gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý các quy định về: xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm (Điều 43 và Điều 44); nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra (Điều 53); công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (Chương VI); đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này (Điều 109)…
Quy định cứng thanh tra sở ở một số lĩnh vực chuyên ngành rộng, phức tạp
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo và và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đánh giá cao chất lượng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ băn khoăn về quy định tại Khoản 2, Điều 116 liệt kê các cơ quan nhà nước, trong đó có cấp Cục, Tổng cục… Tuy nhiên, qua rà soát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước sẽ có thay đổi ở cấp Tổng cục và không còn cấp này nữa - vấn đề này sẽ xử lý như thế nào nếu quy định trong Luật Thanh tra lần này?
Cơ bản đồng tình với quy định Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật; còn việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, với một số lĩnh vực chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật thì quy định "cứng" phải thành lập thanh tra sở, còn lĩnh vực khác thì giao UBND tỉnh.
Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Phối hợp với một số cơ quan tổ chức Hội nghị, tọa đàm lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia để bảo đảm dự án Luật sau khi được Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn, khả thi, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.